Nhân văn, đúng tinh thần báo ân

0:00 / 0:00
0:00
Lễ tưởng niệm mang ý nghĩa nhân văn cho cả người mất và người ở lại
Lễ tưởng niệm mang ý nghĩa nhân văn cho cả người mất và người ở lại
TP - Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) khuyến khích các chùa, cơ sở tự viện đồng loạt tổ chức lễ cầu siêu để hưởng ứng lễ tưởng niệm đồng bào tử vong do COVID-19, tổ chức lúc 20h tối nay 19/11.

“Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố tùy vào điều kiện và thời điểm tổ chức lễ tưởng niệm tại địa phương đảm bảo trang nghiêm, trang trọng, tiết kiệm và thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh trong Công văn số 283 ngày 15/11 về việc hưởng ứng và tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong do dịch bệnh COVID-19.

Đúng vào lễ tưởng niệm, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt thỉnh chuông và thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh tử vong do COVID-19.

Truyền thống Phật giáo luôn có tâm niệm “âm siêu-dương thái”. Nghĩa là cầu cho người sống được bình yên, mạnh khỏe mọi sự tốt đẹp trong cuộc sống và cầu nguyện cho các hương linh của người quá cố siêu thoát khỏi cõi khổ đau, tái sinh ở cõi tịnh độ-cõi của Đức Phật A Di Đà.

“Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với UBND TPHCM tổ chức lễ tưởng niệm tại TPHCM, có điểm cầu tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) là việc làm mang ý nghĩa nhân văn. Chúng ta tưởng nhớ tới người quá cố, nhất là những người quá cố trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Đó là đồng bào tử nạn, cán bộ chiến sĩ, cán bộ y tế, lực lượng thiện nguyện đã hy sinh trong cuộc chiến chống COVID-19. Đây là hành động rất nhân văn của người Việt Nam luôn đề cao tinh thần tri ân và báo ân”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN nói.

“Về mặt tôn giáo, cầu siêu nghĩa là cầu cho linh hồn của người đã mất được siêu thoát lên thế giới tịnh độ. Tuy nhiên lễ tưởng niệm nạn nhân mất do COVID-19 có ý nghĩa rộng lớn hơn. Đây không chỉ là dịp chúng ta tưởng nhớ người đã mất trong đại dịch, mà còn cả những cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch đã hy sinh trong cuộc chiến chống dịch. Lễ tưởng niệm cũng khiến người ta ý thức hơn về dịch bệnh, nâng cao tinh thần chống dịch, kêu gọi cả dân tộc đồng lòng và góp sức chống dịch, mong cuộc sống an lành. Dưới góc độ văn hóa, lễ tưởng niệm này có giá trị cộng đồng rất lớn, nhất là khi được truyền thông và hưởng ứng khắp cả nước”, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Lễ tưởng niệm, cầu siêu lần này đặc biệt ở chỗ xuất phát từ đề xuất của một số đại biểu Quốc hội (QH). “Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của các đại biểu trong đó có đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn đại biểu QH Hà Nội) đề xuất Nhà nước, Giáo hội tổ chức lễ tưởng niệm. Đất nước ta có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau nên dùng từ "tưởng niệm" trong bối cảnh này rất chuẩn xác.

Trong lễ tưởng niệm, mỗi tôn giáo cầu nguyện theo nghi thức riêng của từng tôn giáo. Nghi thức tưởng niệm rất ý nghĩa và kịp thời trong bối cảnh chúng ta còn tiếp tục dồn sức cho cuộc chiến chống dịch. Chúng ta tổ chức tưởng niệm để an ủi các vong linh, động viên những người ở lại để cùng nhau đoàn kết, chung sức đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để đẩy lùi dịch bệnh”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu.

Nỗi đau mất mát người thân trong đại dịch chưa thể sớm nguôi ngoai, vì vậy Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhận định, nghi thức lễ cầu siêu hết sức cần thiết. Nghi thức không chỉ có ý nghĩa với người sống để họ thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho những người ở lại mà còn thể hiện sự quan tâm tới người quá cố.

“Gia đình có người mất vì đại dịch có lẽ cũng được an ủi phần nào, được chia bớt nỗi khổ đau trước sự mất mát người thân. Chúng ta mong cho người mất được an nghỉ, người ở lại cũng nhìn được sự ấm áp để tiếp tục kiên cường vượt qua đại dịch”, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nói.

MỚI - NÓNG