Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa

TPO - Nhà máy xử lý nước sạch lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng đã xây xong nhưng vẫn chưa chính thức vận hành. Người dân vẫn phải dùng nước mưa, nước hồ không đảm bảo.

Ngày 13/8, ông Y Mung Kdoh - trưởng buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết đến nay bà con trong buôn vẫn phải sử dụng nước mưa, nước hồ về sinh hoạt, còn nước nấu ăn, uống hàng ngày phải mua từng bình với giá 8.000đ/bình 12 lít.

“Nhà tôi đã được lắp đồng hồ nước nhưng đến nay vẫn chưa có nước để dùng. Cứ 4 ngày, nhà tôi sử dụng hết 7 bình nước mua để nấu ăn, uống. Bởi ở khu vực này giếng khoan rất ít nước, không đủ dùng”, ông Y Mung nói.

Toàn buôn Đôn có 172 hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, bà con phải dùng nước hồ, nước suối để sinh hoạt. Tuy nhiên, các nguồn nước trên không đảm bảo.

Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa ảnh 1

Người dân mua nước bình về sử dụng.

Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa ảnh 2

Đồng hồ đã được lắp đặt nhưng nước chưa về.

Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa ảnh 3

Hồi tháng 4, người dân nơi đây phải vét nước hồ Ea Dong để sử dụng.

Trước đó, hồi tháng 4, PV về khu vực này, chứng kiến người dân phải vét từng giọt nước tù đọng ở hồ Ea Dong để bơm về bể lọc. Dù qua nhiều lần lọc, nước vẫn còn mùi hôi tanh. Nhà anh Lục Văn Nam (buôn Đôn) đã khoan 2 giếng nhưng rất ít nước, phải chờ từng giọt nước rỉ trong hồ để bơm. Anh thốt lên: Ai thấu hiểu cho tình cảnh này?

Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa ảnh 4

Nước bơm từ hồ lên rất bẩn.

Trưởng buôn Y Mung Kdoh thông tin thêm, trong các lần họp, tiếp xúc cử tri, bà con ý kiến rất nhiều về nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Một lãnh đạo UBND xã Krông Na xác nhận đến nay, dự án nước sạch xã Krông Na vẫn chưa mở nước. Người dân nơi đây vẫn phải hứng nước mưa, lấy nước sông, suối hoặc mua nước bình về dùng. Bà con rất mong chờ có nước sử dụng nên ngày nào cũng hỏi.

Trong khi người dân quay quắt tìm nước thì trên địa bàn xã Krông Na có nhà máy xử lý nước hiện đại nhất tỉnh Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng. Theo hồ sơ, năm 2019, dự án nhà máy nước sạch xã Krông Na được khởi công xây dựng, thời gian thực hiện từ 2019-2021.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban Tỉnh) làm chủ đầu tư.

Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa ảnh 5

Nhà máy được đầu tư gần 80 tỷ đồng nhưng chưa vận hành.

Dự án có mục tiêu cấp nước sạch cho khoảng 2.500 hộ dân tại các xã Krông Na, Ea Huar và 3 cụm, điểm du lịch dọc sông Sêrêpốk (huyện Buôn Đôn).

Năm 2022, dự án cơ bản hoàn thành, gần 2.000 hộ dân cũng được lắp đồng hồ, đấu nối với hệ thống nước sạch. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa vận hành cấp nước.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Tỉnh cho hay đây là dự án xử lý nước được đầu tư máy móc hiện đại, tiên tiến nhất tỉnh Đắk Lắk. Việc chậm làm thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng là do đang vướng hồ sơ.

Cụ thể, Ban Tỉnh đang đợi kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước sạch theo quy định tại Thông tư số 41/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nhà máy nước hiện đại nhất Đắk Lắk để không, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước mưa ảnh 6

Những lúc quay quắt vì hạn, người dân phải vét từng giọt nước đục ngầu để dùng.

“Nguồn nước của nhà máy đã đạt được 14/99 chỉ tiêu theo Thông tư của Bộ Y tế. Chúng tôi đang gửi mẫu đi xét nghiệm và đợi kết quả. Nguồn nước sinh hoạt rất quan trọng nên chúng tôi phải làm đúng, làm đủ theo quy định. Khi có kết quả kiểm nghiệm nguồn nước, chủ đầu tư sẽ hoàn thành việc bàn giao, sớm đưa công trình vào vận hành”, ông Thìn nói.

Liên quan đến dự án cấp nước sạch này, báo Tiền Phong từng có bài phản ánh và đại diện chủ đầu tư nói việc bàn giao nhà máy dự kiến hoàn thành trong tháng 4.

Nước hồ không đảm bảo nhưng người dân vẫn phải sử dụng

Tin liên quan