Nhà làm phim phát biểu gây ầm ĩ, Đại sứ Israel xin lỗi Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ trích của một nhà làm phim Israel về bộ phim mô tả cuộc di cư của cộng đồng người Hindu khỏi vùng đất tranh chấp Kashmir đang gây ầm ĩ ở Ấn Độ, khiến Đại sứ Israel phải lên tiếng xin lỗi.
Nhà làm phim phát biểu gây ầm ĩ, Đại sứ Israel xin lỗi Ấn Độ ảnh 1

Đạo diễn phim người Israel Nadav Lapid đang bị dư luận Ấn Độ phản ứng gay gắt

Nadav Lapid, nhà làm phim người Israel đóng vai trò là trưởng ban giám khảo một liên hoan phim vừa diễn ra ở bang Goa của Ấn Độ, nói trong lễ bế mạc sự kiện ngày 28/11 rằng “The Kashmir Files” là “phim tuyên truyền”, không có chỗ trong một liên hoan phim.

Phát biểu này vấp phải một làn sóng chỉ trích và giận dữ trên mạng xã hội Ấn Độ.

Bộ phim, thành công vang dội khi được khởi chiếu vào tháng 3 năm nay, kể câu chuyện hư cấu về một sinh viên đã phát hiện ra bố mẹ người Hindu ở Kashmir của mình bị các tay súng Hồi giáo sát hại, không phải tình cờ như ông nội nói với anh.

Tên của Lapid trở thành xu hướng nổi bật trên Twitter ngày 29/11. Nhiều cư dân mạng cho rằng nhà làm phim này bác bỏ câu chuyện về cuộc di cư của người Hindu khỏi vùng đất Kashmir, nơi phần lớn dân số theo đạo Hồi.

“Gọi nó là ‘xấu xí’ và ‘tuyên truyền’ là điều không được phép và nằm ngoài nhiệm vụ của ban giám khảo. Nhiệm vụ của họ chỉ nên giới hạn ở việc đánh giá phim và không đưa ra bình luận chính trị công khai”, người dùng Twitter Sunanda Vashisht viết.

Ông Naor Gilon, Đại sứ Israel tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Sri Lanka và Bhutan, lên tiếng xin lỗi trên Twitter: “Là một con người, tôi cảm thấy xấu hổ và muốn xin lỗi chủ nhà vì cách đền đáp xấu xí với sự đối đãi hào phóng và hữu nghị mà họ dành cho chúng tôi”.

“Tôi không phải chuyên gia về phim, nhưng tôi biết đó là chuyện nhạy cảm và tự phụ nếu lên tiếng về các sự kiện lịch sử trước khi nghiên cứu sâu về chúng. Đây vẫn là vết thương chưa lành ở Ấn Độ vì có nhiều người liên quan và vẫn đang phải trả giá”, Đại sứ Gilon nhắc nhở nhà làm phim.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khen ngợi bộ phim, với nội dung tập trung vào giai đoạn biến động bạo lực trong giai đoạn 1989-1990 ở Kashmir.

Những người ủng hộ ông Modi và đảng BJP cầm quyền ủng hộ bộ phim mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số người chỉ trích cho rằng phim này có thể càng làm tăng tư tưởng chống Hồi giáo ở quốc gia vốn bị chia rẽ vì vấn đề tôn giáo.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG