Nguy cơ cháy từ nến cốc, nến thơm trên bàn thờ dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những năm gần đây, nến cốc hay còn gọi là nến thơm được sử dụng ngày càng phổ biến trong thờ cúng. Tuy nhiên, loại nến này rất dễ gây cháy.

Nguy cơ cháy, nổ từ nến cốc trên bàn thờ (Video: người dân cung cấp)

Ngày Tết ông Công, ông Táo vừa qua, khi đi làm về, anh T (ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) hốt hoảng khi thấy ngọn lửa lập loè trên bàn thờ. Ngọn lửa đang bùng lên từ chiếc cốc nến trên bàn thờ. Lúc này, nến đã cháy gần đến đáy cốc, hết bấc và lửa lan ra toàn cốc. Cốc nến đã cháy đen, nóng ran, chực vỡ, anh vội dập tắt để tránh hoả hoạn.

Anh T nhớ lại, sự việc cách đây 3 năm. Cũng khi đi làm về, gia đình anh T. tá hoả khi phát hiện căn nhà có mùi khói. Sàn gỗ, chiếu trên sàn bị cháy một vệt dài. Quan sát kỹ, anh mới biết, vụ cháy gây ra từ chính chiếc nến cốc thắp trên bàn thờ gia đình anh thắp từ sáng. Cốc vỡ, nến chảy xuống sàn gỗ, gây cháy. May mắn, vụ cháy không lan rộng.

Nguy cơ cháy từ nến cốc, nến thơm trên bàn thờ dịp Tết ảnh 1

Vị trí thắp nến cốc bị cháy đen.

Mới đây, ngày mùng 2 Tết (ngày 11/2), gia đình anh B ở phường Quang Trung, TP Vinh cũng xảy ra cháy nến cốc. “Nhiều lần tôi để ý, khi nến cốc cháy quá một nửa sẽ bùng cháy, ngọn lửa bốc lên xung quanh miệng cốc, bùng lên khá cao, trông rất nguy hiểm và tôi phải dập ngay. Vừa rồi, gia đình tôi sử dụng chiếc nến cốc loại to nhưng vẫn bị vỡ, cháy gần thủng mặt bàn thờ mới phát hiện”, anh B cho biết.

Hiện nay, hầu hết các loại nến cốc (hay còn gọi là nến thơm) đều được đựng trong cốc làm từ chất liệu thuỷ tinh. Trong khi, thuỷ tinh dễ bị nứt, vỡ dưới tác động của nhiệt độ cao. Nếu ngọn nến cháy trong thời gian dài và tiếp xúc với đáy cốc, có thể tạo ra nhiệt đủ để làm vỡ cốc, tràn nến, gây cháy.

Nguy cơ cháy từ nến cốc, nến thơm trên bàn thờ dịp Tết ảnh 2

Nến cốc bùng cháy tiềm ẩn nguy cơ cháy

Vào những ngày đầu năm mới, người dân thường có thói quen thắp hương, đốt vàng mã tại gia đình và các cơ sở thờ tự, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản. Để hạn chế tối đa việc xảy ra cháy nổ, công an các tỉnh liên tục khuyến cáo các hộ gia đình, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần nâng cao ý thức phòng ngừa, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy, nổ.

Theo đó, trong quá trình thắp hương phải trông coi, bố trí nơi thắp hương thờ cúng đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC); để cách xa bát hương với các vật dụng dễ cháy trên bàn thờ, tránh trường hợp hương cháy rơi vào các vật dụng dẫn đến cháy; không thắp hương vòng qua đêm. Hạn chế để nhiều vật liệu dễ cháy và sử dụng nến trong thờ cúng. Không đốt quá nhiều vàng mã; không đốt vàng mã ở những nơi cấm.

Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC, có thiết bị đóng ngắt để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Nến cốc, nến thơm đang trở thành một nguy cơ cháy mới trên các bàn thờ gia tiên, các cơ sở thờ tự, tôn giáo... có sử dụng loại nến này.

Khi xảy ra cháy, ngoài việc tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ qua số máy 114 hoặc app Báo cháy 114, chính quyền địa phương và Công an phường, xã để hỗ trợ chữa cháy kịp thời.

MỚI - NÓNG