Người dân góp tiền tỷ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc

TPO - Nghị quyết xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc đang lan tỏa, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Sau 9 tháng triển khai, người dân đóng góp khoảng 35 tỷ đồng, hiến hơn 10.000 m2 đất cho các dự án xây dựng hạ tầng, công trình thiết chế văn hóa.

Ngày 21/10, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước chú trọng, thực hiện mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu. Các kết quả bước đầu trong quá trình xây dựng cho thấy tiềm năng nhân rộng của một sáng kiến độc đáo.

Người dân góp tiền tỷ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo Ảnh: Hà Hồng.

Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn với 6 yêu cầu đặc trưng cơ bản về: Cấu trúc tổ chức không gian và kiến trúc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường cảnh quan, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng hệ thống chính trị.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các Nghị quyết số 06 và Nghị quyết 08/2023 với 14 tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu và 16 cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ban, ngành đã ban hành hàng trăm văn bản để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện.

Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc là việc làm chưa có tiền lệ trong thời kỳ đổi mới, là sự sáng tạo, mạnh dạn đổi mới của tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ những kết quả bước đầu thời gian qua có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng Vĩnh Phúc mà có thể còn là những gợi ý quan trọng cho những địa phương, tỉnh thành khác.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết qua theo dõi trong 9 tháng vừa qua, người dân rất đồng tình, ủng hộ xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu. Những công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đều hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Qua thống kê từ các địa phương, người dân đóng góp khoảng 35 tỉ đồng, hiến trên 10.000 m2 đất, đóng góp hàng vạn ngày công lao động tham gia xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh Vĩnh Phúc là vùng đất "địa linh nhân kiệt", trung tâm sinh tụ của người Việt cổ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng. Vĩnh Phúc cũng được coi là "đất trăm nghề" của xứ Đoài xưa, có nhiều làng nghề và nghề truyền thống...

Người dân góp tiền tỷ, hiến đất xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan Ảnh: Hà Hồng.

Việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu đã có những thành công. Kết quả đó, theo bà Lan, nhờ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo và tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp, sự đồng lòng, nhất trí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.

Nhận định "cái gì mới và hay" thì không dễ làm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề xuất lãnh đạo Vĩnh Phúc "phải tính tới cả yếu tố rủi ro khi thử nghiệm" và phải có chính sách, cơ chế đảm bảo để việc đó "không thành rủi ro cá nhân".

"Chúng ta khuyến khích đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng kiến chính ở chỗ này đây. Phải có cơ chế chính sách để bảo vệ cái đó. Những vốn mồi, tạo điều kiện ban đầu để Làng văn hóa kiểu mẫu tự tồn tại được, còn doanh nghiệp phải là chủ thể mang tính dẫn dắt, tạo chuỗi sản xuất, việc làm, mang thu nhập cho người dân khu vực đó, đáp ứng được điều kiện sống hiện đại", ông Thiên nêu quan điểm.

Tại hội thảo, đại diện 20 doanh nghiệp đã ký biên bản hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với lãnh đạo các địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Giải đáp thắc mắc tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nói số tiền 2.610 tỷ đồng để xây dựng 60 Làng văn hóa kiểu mẫu rất lớn, nhưng đây là khoản chi trong cả một giai đoạn (tới năm 2030), không phải "chi ngay một lúc".

Theo ông Thành, tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc từ 35.000-40.000 tỷ đồng/năm, hàng năm đều chi cho đảm bảo an sinh xã hội khoảng 16.000-18.000 tỷ đồng.

"Với 16 chính sách được nêu ra, để giải ngân được một chính sách không hề dễ. Chính sách chúng ta có, làm sao chi đúng, chi đủ, có hiệu quả là quan trọng. Chúng tôi đưa ra rất nhiều tiêu chí, chi hỗ trợ phải sau khi đã hoàn thành. Hiện nay Vĩnh Phúc có cơ chế giám sát của cộng đồng, người dân giám sát nhau nên đảm bảo rất yên tâm", ông Thành giải đáp băn khoăn của đại biểu.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định Làng văn hóa kiểu mẫu được xây dựng xuất phát từ nền tảng "nông thôn mới nâng cao", có yếu tố đặc biệt về cấu trúc, cảnh quan, không gian văn hóa riêng và xuất phát từ đặc trưng của từng làng, do người dân đề xuất chứ "không phải do kỹ sư từ nước ngoài hay Hà Nội về thiết kế cho người dân".

Vì vậy, theo ông Thành, các "Làng văn hóa kiểu mẫu" phù hợp với văn hóa từng làng, có môi trường, xã hội trong sạch, lành mạnh, yếu tố tình làng nghĩa xóm, hương ước, bản sắc làng được đề cao.

Tin liên quan