Người chơi cối đá

Khi thú chơi siêu xe, hàng độc, thú lạ đang cháy bùng bùng trong lòng xã hội hiện đại, thì tại Nha Trang (Khánh Hòa) lại có người đàn ông ham mê thú chơi... cối đá. Với hơn 3.500 chiếc cối đá, anh thực sự là một trong những người sở hữu nhiều cối đá nhất Việt Nam.

Lạ lùng người thích sưu tầm cối đá

Nhiều người đến chỗ anh Huỳnh Hữu Lộc (tổ 14, thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) còn vì thấy lạ. Lạ vì giữa cái thời này, ai còn sưu tầm cối đá? Không những thế còn đang xây dựng và sẽ thành lập nhà hàng sinh thái, với điểm nhấn là 3.500 chiếc cối đá, được sắp đặt dày đặc trong các lối đi, tường nhà, sân vườn, trên lầu và trong nhà. Trên những chồng cối đá có thêm sự xuất hiện của những chiếc chum cổ, tất cả hòa vào nhau làm nên một không gian đầy hơi ấm Việt.

Người chơi cối đá ảnh 1

Anh Huỳnh Hữu Lộc bên thú chơi đặc biệt của mình.

Anh Lộc chia sẻ, trong làng quê Việt Nam, chiếc cối đã tồn tại hàng ngàn năm, trở thành một nét văn hóa gốc. Người dân đục đẽo chúng, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ những tảng đá xanh to, nặng có khi lên đến vài tạ.

Chiếc cối gắn liền với nhiều sinh hoạt quan trọng như: xay gạo, xay ngô, giã thóc... Từ xưa tới nay thường có hai loại cối: cối xay và cối giã. Cả hai loại đều có công dụng riêng trong việc chế biến lương thực. Người xưa lấy nguồn đá để làm cối từ các dãy núi lớn. Họ thường chế tác cối ngay tại chỗ, rồi thuê người hoặc tự mình chở về nhà.

Ngay khi bước chân qua cổng vào, với cây vạn tuệ lớn trồng trong chum đất nung có hình dấu ngã như có ý chào quý khách, ta sẽ thấy ngay hai hàng cối kéo dài, được sắp đặt để chồng lên nhau. Cối ở đây về kích thước có 3 loại: cối lớn, cối vừa và cối nhỏ. Có trọng lượng từ 20 - 100kg.

Sau năm 1990, đất nước mở cửa, đời sống nhân dân tăng dần. Lúc này, những chiếc cối bắt đầu nhường chỗ cho máy xay sát. Chiếc cối thu lại nhỏ hơn, ngày nay hầu như chỉ dùng vào việc giã tỏi, ớt, lá thuốc. Mỗi lần làm việc, cối đá có thể xay được hàng chục kg gạo. Không ít người đến nay vẫn nhớ tiếng chày giã gạo thời thơ ấu, tiếng cối xay nằng nặng, chầm chậm, nhưng chắc nịch, nghiến kĩ.

Các cụ già vẫn kể lại cho con cháu mình nghe rằng: “Nó đã nuôi lớn cả nhà này đấy!”. Giới trẻ ngày nay đã thuộc lòng câu hát: “Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ, Soc Bombo có sẵn cối chày đây, người Bombo có sẵn đôi tay, với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày...”.

Khởi nguồn đam mê từ khi còn là một đứa trẻ, lại nhận được sự ủng hộ của gia đình, có thể nói cái duyên với cối đá của anh bắt nguồn từ đó. Theo trí nhớ của anh Lộc: “Ngày ấy, làng quê không nhà nào là không có cối xay, cối giã. Ngày mùa có thể đập lúa bằng cối đá. Có nhà làm cối từ đời ông, đến tận đời cháu, chắt vẫn còn sử dụng tốt”. Hai thớt đá cũng vì thế mà trở nên nhẵn hơn, mịn hơn, bóng hơn do làm việc nhiều năm và liên tục.

Người chơi cối đá ảnh 2

Những chuyện sưu tầm cối cũng lắm công phu.

Những món hàng độc

Rất nhiều khách nước ngoài khi đến nhà anh Lộc vô cùng bất ngờ trước những chiếc cối đá của anh. Ông Peter.Hank, du khách Anh quốc đã từng bày tỏ: “Rõ ràng người Việt quá thông minh, tôi không hiểu sao họ lại có thể nghĩ ra cách chế tạo chiếc cối hay như thế. Chiếc cối vừa làm từ đá tự nhiên có sẵn, lại có tính thực tế lớn trong sinh hoạt. Tuyệt vời quá!”.

Trong nghệ thuật, đá tồn tại dưới nhiều hình thái, công dụng khác nhau, đặc biệt là trong điêu khắc và xây dựng.

“Trong sinh hoạt nông nghiệp, nông thôn, cối tồn tại như chìa khóa để sản xuất thức ăn, có công dụng lớn trong xã hội nông nghiệp, đặc biệt là thời phong kiến ở Việt Nam. Trong gia đình, người làm nên chiếc cối là đàn ông, còn người sử dụng chúng nhiều nhất lại là phụ nữ. Hai phần cối như hai mặt của một tờ giấy, thiếu một mặt thì không sử dụng được, chẳng khác nào vợ chồng keo sơn gắn bó ấy!” - bác Nguyễn Minh, 84 tuổi, một người tặng cối cho anh Lộc bộc lộ suy nghĩ.

Dù ở đâu, việc sưu tầm cối cũng không hề đơn giản. “Mỗi chiếc cối tôi mua với giá từ 250.000 - 500.000 đồng, tùy vào khối lượng và tính nguyên vẹn của cối, dù vậy nhiều người dân vẫn quyết không chịu bán, dù mình đã nói rất rõ là sưu tầm và lưu giữ chứ không có ý đồ xấu, phá cối hay vứt bỏ gì”, anh Lộc giải thích lại chuyện mua cối thuở trước.

Có thể nói mỗi chiếc cối này là nhân chứng cho số phận của một gia tộc, anh Lộc còn nhớ một người đã bán cối cho anh nói vậy. Trải qua bao cuộc bể dâu, những chiếc cối đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Ông Thanh, 68 tuổi, cũng đang sống tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang chỉ tay vào một cối đá, thổ lộ: “Tôi tiếc lắm chứ, cối này 3 đời, nuôi nhà tôi ngày xưa đấy, giờ để không, thôi thì đưa vô đây để trưng bày”.

Những chuyện sưu tầm cối cũng lắm khi cười ra nước mắt. “Mua cối người ta lại tưởng trong cối có vàng hay của quí gì, nên nhất thiết không bán, nhưng sau một hồi lần mò, coi lại chính cái cối mình đã dùng hàng chục năm họ mới chịu bán”, anh Lộc cho biết.

Trong trí nhớ anh Lộc vẫn còn in hằn câu chuyện về chiếc cối đá được làm từ năm 1916, của gia đình họ Nguyễn, tại Diên Sơn, Diên Khánh, Khánh Hòa.

Hai chiếc cối ấy in hằn nhịp xay, giã của 5 thế hệ gia đình họ Nguyễn, tồn tại qua hai cuộc thế chiến, chiến tranh chống Pháp - Nhật - Mỹ của dân tộc. Có thể nói đó là hai chiếc cối lâu đời nhất trong bộ sưu tập của anh.

“Nhiều người ở gần chỗ tôi, cho cối và nhớ vị trí đặt để lần sau ghé chơi còn biết đó là cối nhà mình!”, quả thực như vậy. Anh Lộc cho biết thêm: “Thời xưa, có nhiều nhà cửa xây tạm bợ bằng tre nứa, nên dễ cháy lắm, có nhà cháy hết chỉ còn mỗi chiếc cối đá là không cháy, nên khi đưa cối cho tôi, nhiều người họ tiếc lắm đấy!”. Cối đá thường ít khi đổi chủ, có chăng đi nữa cũng chỉ là gia truyền.

Khi giải thích về nguyên nhân lựa chọn cối đá giữa muôn vàn thú chơi thời thượng, anh Lộc thổ lộ: “Chi phí để bỏ ra sưu tầm 3.500 chiếc cối đá và trong tương lai sẽ còn nhiều hơn, thực ra không hề nhỏ, tôi hoàn toàn có thể chọn lĩnh vực khác để kinh doanh nhưng tôi thích cối đá hơn, tôi đam mê và lựa chọn nó!”.

Theo Diên Khánh

Theo Sức khỏe & Đời sống
MỚI - NÓNG