Ngỡ ngàng thời trang K’Ho

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù hội nhập thế giới thời trang khá muộn nhưng các họa tiết, hoa văn, thổ cẩm K’Ho ở Nam Tây Nguyên nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng, “đốn tim” giới mộ điệu.

Phát hiện muộn

Là người đầu tiên đưa thổ cẩm Mạ, K’Ho lên sàn diễn thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh kể: Năm 2018, tôi được nhà dân tộc học Đinh Thị Nga đưa đến các buôn làng ở Lâm Đồng để xem người Mạ, người K’Ho dệt thổ cẩm. Càng đi càng ngỡ ngàng vì thổ cẩm quá đẹp, mẫu mã phong phú; chợt nhận ra một trong những “lỗi lầm” lớn nhất trong nghề là đến lúc đó tôi mới chạm được vào chất liệu truyền thống của các tộc người này. Họ diễn đạt cuộc sống qua những hình ảnh rất đơn giản, chân phương nhưng đầy đủ sức mạnh vốn có trên khung dệt. Tôi thực sự bị thuyết phục, trước tiên là tính hiện đại trên các hoa văn và màu sắc rất đặc trưng của vùng đồi núi mà họ sinh sống.

Ngỡ ngàng thời trang K’Ho ảnh 1

Grimm DC đưa họa tiết K’Ho vào thời trang đường phố

Ngay trong năm đó, chị Minh Hạnh đã thiết kế nhiều mẫu váy áo rồi phối hợp cùng 11 NTK khác tổ chức chương trình biểu diễn thời trang ấn tượng về thổ cẩm Mạ, K’Ho và lụa của TP Bảo Lộc, thủ phủ tơ lụa Việt Nam. Chương trình là sự kết nối của những giá trị truyền thống và hiện đại, được sáng tạo bởi những sản phẩm đặc hữu của Lâm Đồng, trở thành sự kiện ấn tượng nhân kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.“Chưa bao giờ thấy thổ cẩm của dân tộc mình đẹp đến thế. Nhờ các NTK mà khăn, áo, ùi (váy) thổ cẩm đẹp và đa dạng hơn rất nhiều, có thể mặc hàng ngày hoặc trong đám tiệc, lễ hội…”, sơn nữ K’Hiền thổ lộ, đôi mắt sáng long lanh rạng rỡ niềm vui.

Ngỡ ngàng thời trang K’Ho ảnh 2

Thổ cẩm K’Ho lên sàn diễn thời trang

Mới đây, NTK Minh Hạnh cho biết, thổ cẩm vốn được dệt bằng chỉ làm từ quả của cây bông gòn và nhuộm màu bằng các loại cây, cỏ trong rừng. Hoa văn thổ cẩm rất độc đáo, ấn tượng nhưng chất liệu dệt khiến tấm thổ cẩm khá dầy, hơi thô. Do đó, chị nảy ra ý tưởng làm loại thổ cẩm cao cấp bằng chất liệu tơ tằm trên nền tảng hoa văn truyền thống, vốn là hồn cốt của các tộc người Mạ, K’Ho.

Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, K’Zona (34 tuổi) trở về Đà Lạt mở thương hiệu áo cưới Jona bridal. Anh dành nhiều tâm huyết cho bộ sưu tập“Cau ùr niăm” (nét đẹp sơn nữ) bao gồm các mẫu thiết kế váy, áo đậm bản sắc dân tộc K’Ho. K’Zona cho biết việc dùng chất liệu khá thô cứng như thổ cẩm để thiết kế thời trang cao cấp rất khó và tốn kém. Do đó, anh tìm cách phối thổ cẩm với các chất liệu khác như vải voan, vải lưới; đồng thời kết hợp với cách cắt cúp, xếp ly, tạo điểm nhấn ở những chỗ cần thiết để không chỉ tôn dáng người mặc, mà còn giúp bộ trang phục trở nên tinh tế và nhẹ nhàng hơn.

Ngỡ ngàng thời trang K’Ho ảnh 3

Những mẫu thiết kế được giới trẻ K’Ho ưa thích

Màu sắc của thổ cẩm K’Ho khá tối, bao gồm màu xanh của rừng, đan xen các mảng đen và xám là màu của núi, không thích hợp với các trang phục áo cưới, váy dạ hội của giới trẻ thời hiện đại. K’Zona mạnh dạn phá cách theo hướng dùng sắc vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ làm màu chủ đạo, biến tấm vải thổ cẩm mộc mạc thành những trang phục trẻ trung, thanh thoát. “Sơn nữ xinh đẹp không chỉ ở nét đẹp hình thể mà tâm hồn luôn hướng về cội nguồn biết rõ mình là ai nhưng cũng không ngần ngại thay đổi để vươn xa, vươn cao. Trang phục hiện đại nhưng vẫn thấm đượm phong vị núi rừng”,anh K’Zona giải thích về ý nghĩa bộ sưu tập của mình.

Người trẻ đưa họa tiết K’Ho vào thời trang hiện đại

Ngỡ ngàng thời trang K’Ho ảnh 4

Dệt thổ cẩm

Đến nay, một trong những bộ sưu tập ấn tượng nhất về thời trang K’Ho là của Grimm DC. Với xu hướng của dòng thời trang đường phố nói riêng và thời trang dành cho giới trẻ nói chung, các họa tiết mang tính biểu tượng của những nền văn hóa lớn như Hy Lạp, Ai Cập, La Mã, Tây Á… đang chiếm ưu thế. Thế nhưng, Grimm DC lại dày công thiết kế, đưa các yếu tố thuần Việt vào thời trang đường phố.

Theo chân hướng dẫn viên du lịch Mull K’Vang, anh Phan Thanh Duy (người sáng lập GrimmDC) cùng các cộng sự vượt quãng đường gần 400km đến làng của người K’Ho ở xã Đưng K’Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng). Các NTK trẻ như bị thôi miên trước các hoa văn, họa tiết khắc trên cây nêu, nhà sàn cổ; những tấm thổ cẩm được dệt bởi những nghệ nhân tài hoa; bị mê hoặc bởi thanh âm cồng chiêng và những vũ điệu đắm say quanh đống lửa cháy rừng rực giữa đêm rừng.

“Chúng tôi rất may mắn được trò chuyện với già Bon Niêng Ha Sào (hiện đã mất-PV), nhà điêu khắc Cil Đoanh và nghệ nhân ưu tú Bon Niêng K’Glòng. Qua đó, tôi được biết người già K’Ho còn lưu giữ nhiều kỷ vật để nhớ về nguồn cội: Cái nanh con heo rừng là chiến tích trong cuộc chiến sinh tồn thuở trước; cái đầu khỉ để nhớ ơn con vật đã dạy đàn bà sinh con; lông con nhím, loài vật dạy dân làng uống rượu cần. Họ giữ đầu lâu sơn dương hay chim Toucan không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn vì đó là những con vật hiền lành, mang lại may mắn cho người sở hữu”, anh Duy chia sẻ.

Anh Mull K’Vang góp lời: Dân làng hay khắc hoặc dệt các hoa văn truyền thống như mặt trời, mắt chim, xà gạc, lưới bắt cá…bởi không có mặt trời là không có sự sống; chim bay trên cao nên mắt chim sẽ thấy rõ núi rừng, không gian sống ngàn đời của người K’Ho”.

“Đồng cảm với nỗi lo lắng của già làng, rằng giới trẻ đang dần lãng quên các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, khắc hoa văn trên vòng đồng, cây nêu, cột nhà..., Grimm DC quyết đưa những hoa văn truyền thống K’Ho vào thời trang hiện đại để nhiều người thấy rằng các họa tiết K’Ho độc đáo lắm, đừng để mai một”, anh Duy tâm huyết.

Grimm DC đã sưu tầm những mẫu họa tiết đặc sắc nhất, mang tính biểu tượng và tính ứng dụng cao như mặt trời, đầu khỉ, sừng sơn dương, má chim Toucan, da chồn hương… thiết kế trên các sản phẩm thời trang hiện đại, làm nên bộ sưu tập nón, túi, áo pullK’Ho ấn tượng. Những hoa văn độc đáo, mới lạ lần đầu xuất hiện trên dòng thời trang đường phố này thực sự thu hút giới trẻ. Hàng trăm sản phẩm được bán hết ngay trong những giờ đầu ra mắt.

“Cho đến nay, dệt thổ cẩm không thể đảm bảo được cuộc sống của đa số bà con làm nghề. Bởi thế, chúng tôi đang tìm cách kết nối để một số doanh nghiệp cung cấp sợi tơ tằm cho người Mạ và K’Ho dệt, tạo ra loại thổ cẩm bằng chất liệu tơ lụa. Với sự kết nối này, hy vọng giúp bà con có công ăn việc làm thường xuyên, còn doanh nghiệp có sản phẩm mới đặc biệt. Khăn choàng, váy áo thổ cẩm của đồng bào dân tộc được dệt bằng chất liệu tơ sẽ cực kỳ giá trị”, NTK Minh Hạnh cho biết.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.