TPHCM:

Nghệ thuật truyền thống 'xuống đường'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần đây, ở TPHCM diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên đường phố, nhằm phục vụ người dân tại chỗ và thu hút khách du lịch.

Hút khách bằng di sản, văn hóa truyền thống

Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TPHCM cho biết, vào các buổi chiều tối từ thứ 6 đến chủ nhật, trên Phố đi bộ sẽ có chương trình Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, giới thiệu và quảng bá 14 di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận như: hát xoan, ca trù, dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví - dặm, đờn ca tài tử Nam bộ… Các hoạt động này song hành cùng các chương trình nghệ thuật đường phố như các ban nhạc, các nhóm nhảy, các nhóm xiếc, ảo thuật, thể thao nghệ thuật… từ đầu tháng 8/2022.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, đại diện ban tổ chức (BTC) chương trình cho biết, có nhiều tiết mục đa dạng và phong phú về loại hình nghệ thuật như “Mời nước - mời trầu” (Quan họ), “Mười thương” (Nhã nhạc cung đình Huế), “Dạ cổ hoài lang” (Đờn ca tài tử Nam bộ)... được thể hiện qua phần biểu diễn của các nghệ nhân, các diễn viên chuyên nghiệp.

“Chương trình sẽ có phần phiên dịch nội dung biểu diễn sang các ngôn ngữ như Anh, Nhật, Hoa... để du khách có thể hiểu rõ hơn nội dung ca từ, những thông điệp mà chương trình, tiết mục biểu diễn muốn gửi gắm. Tôi nghĩ chương trình sẽ thực sự thu hút du khách tới thưởng ngoạn”- bà Ngọc Vân cho biết.

Nghệ thuật truyền thống 'xuống đường' ảnh 1

Múa Lân – Sư - Rồng- Một sản phẩm du lịch mới tại TPHCM Ảnh: Sở Du lịch TPHCM

Trước đó, vào cuối tháng 7, chương trình Về Chợ Lớn xem múa lân đã chính thức được khai mạc tại quảng trường The Garden Mall (quận 5- TPHCM) với nhiều tiết mục biểu diễn như Múa trống hội, Múa lân truyền thống, Lân địa bửu, Võ nhạc, Lân lên Mai Hoa Thung…, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Khán giả cũng được thưởng thức những tiết mục biểu diễn độc đáo như lân leo cột, lân tung hứng, lân nhảy bậc thang… do những nghệ sỹ múa lân thực hiện.

Anh Đỗ Hùng, du khách đến từ Bình Dương cho biết: “Trước đây, muốn xem múa lân phải chờ tới dịp Tết, nhưng nay ở quận 5 tổ chức định kỳ nên tôi tin là sẽ thu hút được nhiều người xem. Nhất là những đội lân ở quận 5 nổi tiếng không chỉ ở TPHCM mà còn trong khu vực”.

BTC chương trình cho biết, Về Chợ Lớn xem múa lân do quận 5 phối hợp với Liên đoàn Lân - Sư - Rồng TPHCM tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng đến đông đảo công chúng và qua đó sẽ xây dựng chương trình trở thành sản phẩm du lịch văn hóa. Cụ thể, trước mắt, Về Chợ Lớn xem múa lân sẽ diễn định kỳ vào thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng, mỗi buổi diễn có 3 suất diễn, mỗi suất 30 phút…

Ông Nguyễn Ngọc Tú - Tổng thư ký Liên đoàn Lân - Sư - Rồng TPHCM cho biết, liên đoàn đã lựa chọn 10 đoàn nghệ thuật lân sư rồng có danh tiếng như Nhơn Nghĩa Đường, Tinh Anh Đường, Hằng Anh Đường… để tổ chức dàn dựng lại những tiết mục đặc sắc, xây dựng thành một chương trình múa lân kết hợp võ thuật và nghệ thuật xiếc để biểu diễn.

Cũng vào đầu tháng 8, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức tua thử nghiệm “Du lịch bằng tàu hoả và buýt đường sông” từ TPHCM tới Biên Hòa (Đồng Nai). Theo dự kiến, khách đi tua sẽ lên tàu tại ga Hòa Hưng, được trải nghiệm hành trình trên tàu và nghe giới thiệu về những di sản bên cạnh đường tàu.

Tại ga Biên Hòa, khách sẽ được xe của Cty lữ hành đón, đưa đi thăm những di sản, những điểm du lịch lớn tại Biên Hoà như Bảo tàng Đồng Nai, Chùa Ông, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch Bửu Long… Sau đó khách sẽ được tới Cù lao Phố, Văn miếu Trấn Biên… trước khi lên xe buýt sông trở về TPHCM để đi thăm các điểm du lịch nổi tiếng khác như chùa Bửu Long, Bảo tàng Áo dài… và kết thúc chuyến đi tại bến Bạch Đằng…

Theo Sở Du lịch TPHCM, đây là chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Với thế mạnh về du lịch của từng địa phương, sự liên kết này sẽ tạo ra thêm những sản phẩm du lịch mới, đa dạng và hấp dẫn, thu hút nhiều du khách hơn.

Thêm nhiều phố đi bộ

Nhằm tạo thêm điều kiện để phát triển du lịch tại TPHCM, Sở Giao thông TPHCM đã đề xuất triển khai xây dựng 22 tuyến đường tại khu vực trung tâm TPHCM thành các phố đi bộ trong thời gian tới.

Cụ thể, vào năm 2023 phố đi bộ sẽ được tổ chức tại vòng xoay Công trường Quốc tế đến đường Phạm Ngọc Thạch rồi kéo dài ra tới đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du, đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), đường Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi), đường Phan Chu Trinh và đường Phan Bội Châu. Trong những năm tiếp theo thành phố sẽ tiếp tục mở thêm phố đi bộ tại đường Đồng Khởi, Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Thiệp, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hàm Nghi, đường Tôn Thất Đạm…

Theo ông Trần Sỹ Thắng- Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, việc mở rộng các phố đi bộ sẽ giúp giảm xe cá nhân vào nội đô và phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm - nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa...

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.