Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu (giữa) tuyên bố khai hội |
Nghệ nhân K’Tiếu (người K’Ho, ngụ thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) là 1 trong 31 cá nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước toàn quốc.
Ông được biểu dương, tôn vinh vì có nhiều thành tích trong giữ gìn, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Già K’Tiếu kể vì mê tiếng cồng chiêng nên từ khi còn nhỏ, hễ nghe buôn làng nào có lễ hội thì dù xa xôi mấy cũng tìm đến để nghe các bài chiêng.
Năm 14 tuổi, K’Tiếu cùng người dân của 5 làng được tham gia lễ hội lớn kéo dài cả tháng tại thôn K’Brạ. Có tới 5 con trâu được mang ra tế lễ để cúng thần linh. Tại đây, K’Tiếu cùng một số thanh thiếu niên khác được các nghệ nhân trong làng chọn để dạy đánh chiêng.
Đến khi hội làng kết thúc, các học viên mới này bước vào cuộc thi xem ai đánh hay và chơi được nhiều bài nhất. Kết quả, K’Tiếu cùng đàn anh K’Giàng được đánh giá là xuất sắc hơn cả.
Những thập niên gần đây, tiếng chiêng ngày một thưa vắng trong làng. Người lớn tuổi quên gần hết các bài chiêng vì lâu ngày không chơi, còn giới trẻ thì thích chơi game, facebook hơn.
Năm 1990, ở thôn Duệ tái diễn lễ đâm trâu đón mùa lúa mới. Để chuẩn bị cho lễ hội, K’Tiếu vận động nhiều người trong làng tề tựu để ôn lại các bài chiêng. Ông kiên nhẫn hướng dẫn cho từng người chơi những điệu cơ bản.
Lễ hội không thể thiếu tiếng chiêng |
Ông giải thích tỉ mỉ ý nghĩa của từng điệu chiêng, biểu diễn những bài hay, lay động lòng người. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều người đến gặp ông để học đánh chiêng cho bài bản.
Sau lễ hội, thấy người làng có vẻ hào hứng hơn với việc chơi chiêng, ông thuyết phục gia đình cụ Ka Èng cho mượn bộ chiêng (gồm 6 cái) để người làng có dụng cụ tập luyện.
“Cồng chiêng là đồ vật quý giá mà ông bà tổ tiên để lại, sử dụng quá nhiều sẽ bị hao mòn. Tuy nhiên, vì khao khát được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng trong làng mà bà Ka Èng đồng ý cho mượn bộ chiêng 6. Sau đó, tỉnh cấp cho xã bộ chiêng mới nên việc tập luyện được thuận lợi hơn”, già nhớ lại.
Sau đó, ông còn mở nhiều lớp dạy các thanh, thiếu niên trong làng chơi chiêng, mỗi lớp trên 10 người. “Vì các cháu từ 13-15 tuổi sẽ học nhanh nhất nên tôi tập trung dạy cho các cháu vào mùa hè. Còn với những người lớn tuổi, cứ một vài tuần, tôi gọi họ đến để ôn luyện, nếu không nhắc bài thì họ sẽ quên hết”, ông chia sẻ.
Hiện đã ngoài 70 tuổi nhưng già vẫn miệt mài mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Nhờ sự kiên trì, tận tình truyền dạy của những người như già K’Tiếu mà đến nay xã Đinh Lạc có hơn 200 người chơi chiêng bài bản; trong đó, hàng chục người là thành viên của Câu lạc bộ cồng chiêng tại địa phương.
Theo lãnh đạo UBND xã Đinh Lạc, với nỗ lực không ngừng của già làng K’Tiếu, các bài diễn tấu cồng chiêng dần được phục hồi cùng các điệu múa xoang, kể khan; gắn với chuỗi hoạt động thể thao, ẩm thực dân gian, làm cơ sở để khôi phục các lễ hội truyền thống như cầu mưa, mừng lúa mới…
Với những cống hiến đó, năm 2022 già làng K’Tiếu được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.