Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quách Thị Cường nêu rõ: Với lịch sử hình thành hàng trăm năm, dân tộc Mông ở Nghệ An là một cộng đồng dân tộc chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt.
Gắn bó với thiên nhiên hùng vĩ, sinh sống trên những triền núi cao, đồng bào Mông có một kho tàng nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng phong phú, đồ sộ; thể hiện sự khéo léo và tư duy sáng tạo trong các giá trị văn hóa tinh thần như chế tác nhạc cụ, sáng tác làn điệu dân ca và những điệu múa truyền thống.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và đồng hóa văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mông nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Vấn đề lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở nên cấp thiết.
Trong thời gian 3 ngày, các học viên sẽ được phổ biến những nội dung cơ bản về văn hóa dân tộc Mông. Ảnh: Công Kiên |
Lớp tập huấn hôm nay là một trong những nhiệm vụ của Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An.
Lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực về dân ca, dân nhạc, dân vũ cho các nghệ nhân, trưởng các dòng họ là những người có uy tín trong cộng đồng, học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc Mông và cán bộ làm công tác văn hóa các huyện có đồng bào Mông sinh sống.
Lớp tập huấn có sự tham gia của gần 80 học viên đến từ các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong.
Trong thời gian 3 ngày (từ 5 - 7/6), các học viên sẽ được phổ biến các nội dung: Đường lối, chủ trương, chính sách liên quan đến bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa dân tộc Mông nói riêng; đặc trưng văn hóa dân tộc Mông ở Nghệ An; âm nhạc dân tộc Mông, đặc trưng về dân ca Mông ở Nghệ An; thực hành múa khăn, múa ô, múa khèn và kỹ năng nhảy múa dân tộc Mông; thực hành các làn điệu dân ca Mông.