Mỹ, Đức nói gì về đề xuất đảm bảo an ninh cho Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Berlin tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Kiev, trong khi Mỹ thông báo vẫn đang thảo luận với giới chức Ukraine.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi thông tin sơ bộ về dự thảo thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine được hé lộ. Trong đó, Ukraine dường như sẽ đồng ý phi quân sự hóa và trở thành quốc gia trung lập nếu nhận được sự đảm bảo an ninh từ các nước phương Tây và từ Nga.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD ngày 30/3, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết: “Nếu Ukraine cần được đảm bảo an ninh, Đức sẽ hỗ trợ.”

Ngoại trưởng Baerbock khẳng định Đức “đoàn kết 100%” với Ukraine, và “Kiev có thể dựa vào Berlin”. Tuy nhiên, bà nhắc lại rằng ở thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết. Do đó, quan điểm của Kiev và Mátxcơva về các vấn đề có thể vẫn sẽ chưa thống nhất.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua cũng nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Berlin “sẵn sàng đưa ra các đảm bảo an ninh”. Nhưng Chính phủ Đức không nói rõ liệu việc này có bao gồm hỗ trợ quân sự hay không.

Ngoài Đức, Chính phủ Mỹ cũng đang “thảo luận liên tục” với giới chức Ukraine về cách mà Kiev có thể vừa duy trì chủ quyền vừa đảm bảo an toàn, Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield cho biết hôm thứ Tư.

Bà Bedingfield nhắc lại quan điểm của Nhà Trắng về việc phản đối áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine, vì việc này sẽ tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

Vòng đàm phán giữa Ukraine và Nga tại Istanbul hôm 29/3 được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy các bên đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận.

Các nhà đàm phán hàng đầu cho biết Ukraine sẵn sàng gác lại tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ chối cho phép quân đội nước ngoài đóng quân, không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Kiev muốn Nga không phản đối việc một ngày nào đó Kiev gia nhập Liên minh Châu Âu, đồng thời yêu cầu các nước phải cung cấp cho Ukraine đảm bảo về an ninh theo các điều khoản tương tự như "Điều 5", điều khoản phòng vệ tập thể của NATO.

Theo RT
MỚI - NÓNG