Mùa xuân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Mùa xuân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
TPCN - Cách thị trấn Tam Đảo 14 km, rẽ tay trái, đi thêm 11km nữa là tới Tây Thiên. Nơi ấy có Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (TVTLTT) mới khánh thành tháng 11 năm ngoái.
Mùa xuân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ảnh 1
Một góc Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Đến gần chân núi, mắt thường đã nhìn thấy Thiền viện thấp thoáng trong mây. Theo thầy Thích Thông Văn thì đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam.

Tây Thiên tổ ấn khơi nguồn phật
Vĩnh Phúc Thiền tông thắp sáng tâm.

Khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng người Ấn Độ tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo.

Nhà tổ ở phía sau Đại Hùng Bửu điện có pháp thân 4 vị sư tổ  là Khương Tăng Hội và Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).

Vẫn theo thầy Thích Thông Văn thì phần đã xây dựng gồm Đại Hùng Bửu điện, Nhà Tổ, lầu chuông, gác trống, phòng trưng bày, phòng khách tăng và khách ni... mới chỉ được gần một nửa trong toàn bộ diện tích 4,5ha của Thiền viện và khu vực rừng ngoại vi rộng 50ha.

Những công trình to lớn này đã được xây dựng với thời gian kỷ lục: 15 tháng. Riêng tòa Đại Hùng Bửu điện chỉ thi công trong vòng 9 tháng. Sở dĩ tốc độ xây dựng nhanh như vậy vì có sự tham gia đóng góp của hàng ngàn người, trong đó có các nghệ nhân và làng nghề hầu khắp trong cả nước: thợ đá Non Nước, Ninh Bình, thợ mộc Hà Tây, Bắc Ninh; thợ hồ Nam Định, Hà Nội.

Mùa xuân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ảnh 2
Tượng Phật bằng đá sa thạch trong Đại Hùng Bửu điện

Chuông và trống do các nghệ nhân ở Huế, Nha Trang, Đồng Nai phụ trách... Các bức tượng phật đều được làm từ đá sa thạch (loại đá người Chăm và người Ai Cập thường dùng để tạc tượng), độ nét sâu và có sức vượt thời gian hàng trăm năm. Riêng trống trong lầu được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có những cây đường kính lên đến 1,5m...

Trong dịp tháng Giêng, mỗi ngày có hàng ngàn khách hành hương tới vãn cảnh. Trước cửa thiền viện có một khoảng đất rộng, trông xe miễn phí. Không thấy cảnh bán hương hoa, vàng mã lộn xộn.

Thiền viện quy định, phật tử vào thắp hương không đặt lễ tiền vàng. Có người thắc mắc, thầy Huyền Tâm nhẹ nhàng giải thích, đến với cửa phật bằng tấm lòng thành thực, thì không cần đem theo đồ giả (vàng mã) nữa.

Thiền viện dành khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở xa đến có thể nghỉ lại chùa tham quan và nghiên cứu phật pháp trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần. Trước khi đến chỉ cần liên hệ trước theo số điện thoại 0211.218300; việc ăn ở, thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.

Mùa xuân Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ảnh 3
Thiền viện trong mây

Ở nước ta hiện có khoảng 20 thiền viện Trúc Lâm, chủ yếu nằm ở phía Nam. Ngoài Bắc chỉ có 3 thiền viện và thiền tự là Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) và Sùng Phúc (Hà Nội). TVTLTT xây trên khu vực chùa cổ Thiên Ân, quy mô hùng vĩ.

Đường lên núi lát bê tông, ô tô, xe máy leo được tới tận cổng chùa. Bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch. Đứng trước cửa thiền viện bỗng được tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục.

Ruộng đồng, đường sá, nhà cửa dưới chân núi bỗng như lùi lại vào một cõi nào xa lắm. Nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, những hôm trời quang, từ đây có thể phóng tầm mắt tới tận dãy núi Ba Vì, Hà Tây.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên và khu danh thắng Tây Thiên mang trong mình tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch tâm linh. Cách Hà Nội chưa đầy 60 km, chắc chắn trong một tương lai gần nơi này sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách cả nước.

MỚI - NÓNG