Mùa săn 'biệt dược' rừng xanh

TP - Từ một loại trái cây dại, giờ đây nho rừng trở thành đặc sản được nhiều người săn đón. Loại quả mọc hoang trong rừng hiện đang vào mùa chín rộ. Thời điểm mùa mưa cũng là mùa hứa hẹn nguồn thu nhập đáng mơ ước của người dân nhờ nghề tìm hái nho rừng bán cho thương lái.

Từ quả dại…

Dưới tán rừng khộp có hàng trăm hộ dân được rừng xanh bao bọc. Ngay từ nhỏ, nhiều em nhỏ ở huyện biên giới Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đã theo cha, mẹ lên rừng tìm rau, hái quả. Dưới tán rừng, có một loài quả dại, hình dáng giống trái nho nên người dân gọi là nho rừng.

Gần 30 năm gắn bó với vùng đất này, anh Đỗ Thái Bình (huyện Ea Súp) chia sẻ, mùa nào thức nấy, mỗi năm người dân có nguồn thu ổn định nhờ “lộc rừng”. Mùa mưa, bà con háo hức tìm măng và nho rừng. Trước đây, loại quả này, người dân hái về nấu canh chua. Mấy năm gần đây, nho rừng được người ta biến tấu thành những thức uống ngon, và tốt cho sức khỏe. Hiện nho rừng đang được xem là đặc sản hút hàng.

5 giờ sáng, sương mù bao phủ khắp đồi núi, len lỏi qua những tán cây, ngọn cỏ. Anh Bình cùng chị gái đã lục đục chuẩn bị đồ nghề cho hành trình vào rừng tìm nho. Trước khi đi, anh xếp cẩn thận liềm, sọt và một phần thức ăn vào thùng xốp cột sẵn phía sau xe máy. Theo kinh nghiệm đi rừng, anh Bình di chuyển hơn 40km trên con đường rừng vòng vèo, rồi dừng lại dựng xe phía bìa rừng. Sau đó, mọi người xách đồ nghề, đi bộ men theo những khe suối. Khung cảnh thiên nhiên yên bình, tiếng suối chảy róc rách, chốn hoang sơ này không chỉ mang vẻ đẹp như “bồng lai tiên cảnh” mà còn sản sinh nhiều loại quả rừng. Với những người mới đi rừng như tôi có chút lo, dưới chân, cỏ dại, bụi dây gai leo phủ kín. Muỗi bay vo ve, chẳng biết có con rắn, rết nào ẩn nấp đâu đó hay không.

Trước mặt, chùm nho với những quả to cỡ viên bi màu tím sẫm lủng lẳng trên cây, trông mê cả mắt. Nhiều người không biết sẽ ngỡ là một loại trái rừng xa lạ. Chùm nho rừng lúc lỉu, chín rực được hái xuống. Anh Bình cho biết, nho rừng là loại cây dây leo, thường mọc hoang bám trên cây thân gỗ lớn ở bìa rừng, hoặc leo lên bụi tre. Nho rừng hút tinh túy của đất trời cho ra những chùm hoa li ti, phơn phớt đỏ, lớn dần lên kết thành chùm trái non xanh ngắt. Lúc chín, nho chuyển sang màu tím sẫm.

Mùa săn 'biệt dược' rừng xanh ảnh 1

Chị Hà chia sẻ về cách chế biến nho rừng thành thức uống đặc sản.

Đỡ lấy những chùm nho mọng nước đặt nhẹ nhàng vào sọt, chị Đỗ Thu Hiền (chị gái anh Bình) kể, nghe có vẻ dễ dàng nhưng nghề cũng rất kén người. Yêu cầu, người đi hái phải có con mắt nhìn, chịu khó và sức khỏe dẻo dai, biết trèo cây. Công việc này đã gắn bó với hai chị em gần 5 năm nay, đến mùa hầu như ngày nào họ cũng có mặt trên những cánh rừng. Thời điểm mùa mưa, cũng là lúc nho rừng bước vào vụ rộ. Muốn hái được loại trái cây dại này, người ta phải lặn lội cả ngày, thậm chí nhiều ngày mới đủ số lượng khách hàng đặt.

Thời điểm này, đang mùa nho rừng chín rộ. Tinh mơ, người dân bắt đầu lên rừng tìm nho kiếm thêm thu nhập. Gần đó, dưới bụi tre già, 2 mẹ con bà Nông Thị Hạ lúi húi hái những chùm nho tím sẫm. Mùa này, gia đình bà huy động hết nhân lực vào rừng hái nho bán. “Chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng, mang theo dụng cụ để đựng nho và đồ ăn cho bữa trưa, đi xe máy ra bìa rừng. Đến chiều tối chở nho về. Nho rừng thường mọc ở khu vực rừng sâu. Vì thế việc tìm hái nho cũng lắm vất vả”, bà Hạ chia sẻ.

Theo lời bà Hạ, nho rừng mới xuất hiện những năm gần đây. Trước kia, người dân vẫn biết trên rừng có nhiều nho nhưng họ không để ý. Lúc trước, bà thường hái quả xanh về kho cá, nấu canh chua.

…thành đặc sản hút khách

Trời về chiều, màn mây trắng lãng đãng ôm lấy đỉnh núi xanh ngắt. Chị Hiền cẩn thận xếp những chùm nho mọng nước, căng tròn cho vào thùng xốp tránh bị dập khi di chuyển về nhà. “Chừng này được khoảng 60kg, hôm nay, khách ở thị trấn Ea Súp đặt hết rồi. Thứ quả thiên nhiên ban tặng này được hái đem về ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe. Rượu nho rừng có vị hơi chát, pha chút cay cay, đàn ông khá chuộng. Đây là sản vật tự nhiên nên họ yên tâm”, chị Hiền nói.

Mùa săn 'biệt dược' rừng xanh ảnh 2

Chị Hiền đang hái nho rừng.

Năm nào chị Hiền cũng dành vài chục ký nho rừng ngâm đường làm siro. Theo chị, cần chọn những quả nho chín, sẫm màu, rửa sạch, tách quả khỏi chùm, để ráo nước và cho vào bình thủy tinh, cho một lớp nho một lớp đường. Sau 5-7 ngày, nước nho có thể dùng. Loại nước uống này vừa giải khát mà rất tốt cho sức khỏe. Mở phần cơm mang theo cho tôi xem, chị Hiền nói: “Đây là món cá kho với nho rừng xanh, ăn rất hao cơm. Tôi thường dùng quả nho rừng thay chanh, giấm để làm gia vị cho các món ăn”.

Trời đang nắng, mây đen kéo đến kín bầu trời, không sấm, không chớp, bất ngờ mưa ào ào. Mưa sớm đưa chiều vào tối. Mọi người dưới lớp áo mưa tiện lợi, hối hả trở về nhà sau một ngày thu hoạch thành quả trên rừng.

Chị Đỗ Thu Hiền (huyện Ea Súp) cho biết, một ngày chăm chỉ, hai chị em hái được hơn 50kg nho, nhiều hôm gặp được bụi nho rừng chín rộ hái khoảng 70-80kg, kiếm được tiền triệu. Trước đây, nho rừng được bà con ép nước uống. Trong quả nho rừng chứa một hàm lượng cao chất xơ nên còn có công dụng để giải khát, làm đẹp da, tốt cho hệ tiêu hóa, giảm cân hiệu quả, an toàn.

Là đầu mối chuyên thu mua các dược liệu và trái cây rừng ở TP Buôn Ma Thuột, chị Lê Thị Hà cho hay, khoảng mấy năm trở lại đây, dân thành phố và một số tỉnh khác chuộng nho rừng. Vào mùa, chị Hà thường đặt hàng của bà con ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Đa phần, bà con phải vào rừng sâu để lấy quả. Quả khi chín nhanh bị dập, hỏng nếu bảo quản sai cách. Để thu được loại quả này, người đi hái phải đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.

Nho rừng hút khách bởi hương vị đặc trưng của núi rừng. Tuy hơi chát nhưng lại có vị thơm khá đặc trưng, nếu ai không quen, ăn trực tiếp có thể bị ngứa hoặc rát ở lưỡi. Nho rừng phù hợp để ngâm rượu hoặc làm thuốc. Những bình rượu nho rừng màu đẹp bắt mắt bày bán tại cửa hàng, được chị Hà chế biến để khách xa có rượu ngon thưởng thức. “Tôi chọn những quả nho chín, sẫm màu, rửa sạch, tách quả khỏi chùm. Sau đó để nho ráo nước, cho nho vào bình thủy tinh ngâm với rượu ngon, sau 2 tháng có thể dùng”, chị Hà thông tin.

Vào thời điểm nho rừng rộ mùa, nhiều du khách và người dân hay ghé cửa hàng chị Hà ở TP Buôn Ma Thuột mua nho quả về chế biến. Theo chị Hà, nhu cầu mua nho rừng của khách rất lớn. Khách hàng của chị hầu hết khắp các tỉnh, thành trên cả nước.