Mất rừng làm tăng nguy cơ sạt lở

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo PGS.TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Tây Nguyên là khu vực chưa được điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá.

Lý do sạt lở gia tăng

Liên quan đến sự cố sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng khiến 4 người tử vong, PGS.TS. Trịnh Xuân Hòa cho biết, trước khi xảy ra sự cố, khu vực đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng có mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Số liệu thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cho thấy, chỉ trong 3 ngày (28-30/7), tổng lượng mưa khu vực này lên tới 294,8 mm. Mưa lớn kéo dài trên nền địa chất bị phong hóa, làm yếu các liên kết, dẫn đến trượt lở.

PGS. Trịnh Xuân Hòa cho biết, việc thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng hay cây lâu năm cũng làm gia tăng nguy cơ trượt lở đất đá vì rừng tái sinh hay cây trồng lâu năm có khả năng giữ nước rất hạn chế so với rừng tự nhiên. Khu vực rừng trồng hay cây lâu năm cũng có liên kết đất yếu hơn so với rừng tự nhiên. Vì vậy, về lâu dài, cần phải quy hoạch sử dụng đất gắn với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn cũng như trồng rừng ở nơi có nguy cơ cao về trượt lở đất đá.

Ông Hòa cũng cho hay, các hoạt động nhân sinh như xây dựng đường sá, thủy điện, hạ tầng, trong nhiều trường hợp làm mất chân sườn dốc, mất ổn định sườn dốc cũng làm gia tăng nguy cơ này.

Mất rừng làm tăng nguy cơ sạt lở ảnh 1

Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam thực hiện Đề án Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam. Đến nay, xây dựng và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở 15 tỉnh. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên lại chưa được điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, làm cơ sở khoa học để tiến hành cảnh báo ở khu vực này. Do đó việc cảnh báo chủ yếu dựa trên dữ liệu địa chất đã có, kinh nghiệm của chuyên gia và lịch sử trượt lở trong khu vực.

Nếu có bản đồ hiện trạng phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở sẽ tăng độ chính xác và khả năng cảnh báo. Đây cũng là cơ sở trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như việc bố trí các khu dân cư để giảm thiểu những thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

Theo các chuyên gia về khí tượng thủy văn, Việt Nam cũng như thế giới chưa thể dự báo được sạt lở đất, việc cảnh báo sạt lở đất được thực hiện trước 3-6 giờ. Tuy nhiên chưa thể cảnh báo vào giờ nào, tại ngọn đồi nào có thể xảy ra trượt lở đất đá.

Chưa thể dự báo sạt lở đất

Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp, công nghệ cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ bùn đá vùng núi Việt Nam”, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, cảnh báo sạt lở đất, ngoài yếu tố mưa tác động còn liên quan tới nhiều yếu tố kích hoạt ẩn sâu trong lòng đất mà chủ quan của con người khó nhìn thấy, đó là yếu tố về địa hình, địa mạo, cấu trúc địa chất, các đứt gãy ở sâu dưới lòng đất, trong các khối đất đá. Các yếu tố địa chất này còn có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào các tác động môi trường và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết dẫn tới công tác cảnh báo còn gặp nhiều khó khăn như các nghiên cứu khoa học về cảnh báo sạt lở đất đá, lũ bùn đã có nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng và phù hợp với sự thay đổi của phát triển kinh tế xã hội tại các vùng, đặc biệt khu vực vùng núi.

Chưa có cơ sở dữ liệu tổng hợp đa ngành hỗ trợ đánh giá tác động thiên tai (thông tin nền về điều kiện gây sạt lở, các hoạt động KT- XH, dân sinh như giao thông, khai thác mỏ, xây dựng, phân bố dân cư, quy hoạch phát triển các khu đô thị, làng, xã, độ che phủ rừng).

Bên cạnh đó, công tác dự báo mưa chi tiết cho khu vực nhỏ còn hạn chế, các thông tin đầu vào để xác định tác nhân hình thành lũ quét, sạt lở liên tục thay đổi nhưng chưa được thu thập đầy đủ, cập nhật thường xuyên.

MỚI - NÓNG