QUẢNG NGÃI:

Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
TPO - Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân các hùng binh năm xưa đã giong thuyền vượt sóng ra khơi dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.

Ngày 27/4, tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh cùng các tộc họ trên đảo đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức những hùng binh Đội Hoàng Sa năm xưa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Bông, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh đã nhắc lại ý nghĩa của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và nguồn gốc Đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.

Đội Hoàng Sa có 70 suất, vốn chủ yếu là người An Vĩnh trong đất liền và sau là người phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). 70 suất đi Hoàng Sa được chia đều cho các họ, tộc, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên. Các xã đều có người đi Hoàng Sa, nhưng những người lính Hoàng Sa thuở ấy không mấy ai còn được trở về.

Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 1

Các thuyền câu, hình nhân làm bằng giấy dùng để thức hiện nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Theo sử liệu ghi chép lại, hằng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển, ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn, giong buồm nương theo gió nồm vượt sóng tiến ra quần đảo Hoàng Sa thu nhặt sản vật, thực hiện việc đo đạc và cắm bia chủ quyền.

Tương truyền rằng, mỗi dân binh khi nhận lệnh triều đình ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, bảy nẹp tre và bảy sợi dây mây cùng một thẻ bài ghi tên tuổi, quê quán. Chiếc chiếu được các dân binh trải nằm, nhưng khi không may gặp chuyện chẳng lành giữa biển khơi thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, đó là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân của họ nhận ra họ.

Đường đi bất trắc, biết là sẽ gặp nhiều nguy nên trước khi đội dân binh lên thuyền đi làm nhiệm vụ cao cả, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Lễ tế sống) và dùng hình nhân thế mạng để cầu mong may mắn cho người ra đi và yên lòng cho người ở lại.

Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 2

Sau lễ tế ở đình làng An Vĩnh là nghi thức thả thuyền tế ra biển.

Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 3

Nghi thức thả thuyền ra biển.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư huyện Lý Sơn cho biết, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các tộc họ trên đảo được bảo tồn, duy trì hơn 400 năm qua. Đây là nghi lễ đã thấm sâu trong tiềm thức người dân, giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Lễ khao lề không những tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo dân tộc.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2013 và được duy trì tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội đua thuyền tứ linh Lý Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 27/4, UBND huyện Lý Sơn phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đua thuyền tứ linh.

Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 4

Trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đua thuyền Tứ linh Lý Sơn.

Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) của ngư dân đảo Lý Sơn là lễ hội truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa riêng đã có từ hàng trăm năm trước; theo văn tế Tiền hiền thì lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1826 và được tổ chức hàng năm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc và các ngày lễ lớn của đất nước, được nhân dân bảo tồn và phát triển đến hôm nay nhằm tri ân các vị tiền hiền đã có công khai khẩn, mở mang và xây dựng đất đảo ngày càng thêm trù phú.

Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ảnh 5

Các đội tham dự đua thuyền truyền thống Tứ Linh ở đảo Lý Sơn.

Đối với cư dân đảo Lý Sơn, Lễ hội đua thuyền tứ linh không đơn thuần là một môn thể thao mà còn mang tính tâm linh, bởi các thuyền đua được mô tả thành những con vật tượng trưng cho sức mạnh. Với vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa lâu đời của người dân Lý Sơn, đến tháng 9/2020, Lễ hội đua thuyền tứ linh được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Như vậy, đến nay huyện Lý Sơn đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đua thuyền tứ linh và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (được công nhận năm 2013).

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.