Lương thua lao động phổ thông, nhiều giáo viên và bác sĩ phải bỏ việc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lương và phụ cấp của giáo viên, nhân viên y tế rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, khiến nhiều người phải bỏ việc để làm công việc có thu nhập cao hơn.

Ngày 17/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có cuộc tiếp xúc chuyên đề với cử tri ngành y tế và ngành giáo dục trên địa bàn TPHCM trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Tham gia buổi tiếp xúc có bà Văn Thị Bạch Tuyết và ông Hà Phước Thắng cùng là Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.

Lương thua lao động phổ thông, nhiều giáo viên và bác sĩ phải bỏ việc ảnh 1

Theo nhiều cử tri, lương giáo viên hiện nay còn thua lao động phổ thông

Lương không tăng kịp giá cả hàng hoá

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri tại TPHCM nêu những khó khăn của nhà giáo về chính sách tiền lương.

Ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức) cho rằng, việc tăng lương cơ bản từ ngày 1/7 chỉ đem đến nguồn động viên tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, bởi thực tế lương không tăng kịp giá cả hàng hoá và nhu cầu cuộc sống.

“Tại Trường THCS Đặng Tấn Tài, lương và phụ cấp của giáo viên trong 5 năm đầu làm việc chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này còn thua cả lao động phổ thông nên nhiều giáo viên không đủ trang trải. Nhiều người đã nghỉ việc để làm nghề khác có thu nhập cao hơn”, ông Lực bày tỏ.

Theo ông Lực, vẫn còn tình trạng trả lương mang tính “cào bằng”, “làm nhiều, làm ít cũng hưởng lương như nhau”, tiền lương chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác. Từ những khó khăn trên, ông Lực đề nghị có chính sách trả lương theo vị trí việc làm, điều chỉnh mức lương mới để giáo viên sống được bằng lương, không phải làm thêm nhiều nghề “tay trái” như bán hàng online, làm gia sư,…

“Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư,… các trường phổ thông cũng cần được hỗ trợ bởi mức thu nhập của họ còn thấp”, ông Lực nói.

Cùng quan điểm trên, ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), nhìn nhận chế độ phụ cấp hiện nay là tương đối phù hợp, song nếu Nhà nước quan tâm đúng mức đến một số phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp độc hại… sẽ tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của người lao động.

Ông Minh thông tin thêm, hiện nay công chức đã có phụ cấp công vụ, còn viên chức như y tế, văn thư, thư viện,… đang công tác tại các trường THPT có phụ cấp đặc thù ngành nhưng vẫn còn thấp. Một số vị trí khác chỉ nhận lương theo hệ số, không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành.

“Một khó khăn khác của các trường THPT hiện nay là không có nguồn thu để trả lương cho nhân viên bảo vệ, phục vụ. Trong khi quy định của Chính phủ thì không sử dụng ngân sách để trả lương cho nhóm nhân sự theo diện hợp đồng này”, ông Minh nói.

Chưa tạo động lực để tăng hiệu quả làm việc

Với ngành y tế, các cử tri cũng trăn trở với mức lương thấp khiến nhiều bệnh viện công không thu hút được người tài và đề nghị xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu với bác sĩ cao hơn mức chung.

Bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ đang được áp dụng bằng chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học với bậc một hệ số 2,34 nhân với lương cơ sở 1,8 triệu đồng, tương đương 4,2 triệu đồng mỗi tháng.

Điều này chưa phù hợp với thời gian đào tạo bác sĩ là 6 năm và khi ra trường, bác sĩ phải học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề cơ bản. Ngoài ra, khi về công tác, làm việc tại các chuyên khoa phải tiếp tục học với kinh phí khá cao.

Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho rằng, hệ số lương, bậc lương, lương cơ sở hiện chưa thể hiện được giá trị của tiền lương, chưa tạo động lực để tăng hiệu quả làm việc. Do đó, cần xác định nhân viên y tế là ngành đặc thù, yêu cầu trình độ chuyên môn cao nên cần có chính sách hỗ trợ chuyên biệt nhằm bù đắp phần nào đó để người lao động có những thuận lợi về sức khỏe tinh thần.

Chưa đủ sức hút

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, để tạo bước đột phá cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ, cần có nhiều cơ chế về sử dụng tài sản công, tiền lương, quản lý và sử dụng biên chế, hợp đồng lao động,… Ông Dũng cũng cho biết, Sở GD&ĐT đã kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn này.

Lương thua lao động phổ thông, nhiều giáo viên và bác sĩ phải bỏ việc ảnh 2

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM tại buổi tiếp xúc cử tri

Về vị trí việc làm, ông Dũng cho rằng bộ phận đào tạo, tuyển sinh, chăm sóc người học ở các cơ sở giáo dục tư thục rất đông. Ngược lại, các đơn vị công lập thiếu hụt nhân sự, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Cơ chế tiền lương hiện nay khó thu hút giáo viên, nhất là khu vực ngoại thành.

“Việc thiếu giáo viên công nghệ thông tin, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật,… gây khó khăn cho ngành giáo dục trong việc thực hiện chuyển đổi số. Thành phố đã có nhiều chính sách thu hút nhân lực nhưng chưa đủ sức hút, vẫn còn hiện tượng bỏ nghề vì thu nhập thấp”, ông Dũng cho hay.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đồng tình với khó khăn về chính sách tiền lương khiến nhiều trường không tuyển đủ giáo viên, nhiều người phải bỏ nghề. Trong thời gian tới, những kiến nghị thực tế này sẽ được các đại biểu trình lên Quốc hội khoá XV.

MỚI - NÓNG