Lông đuôi voi và những sự tích huyền bí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nơi mảnh đất Tây Nguyên huyền bí, nhiều người truyền tai nhau về sức mạnh kỳ lạ của chiếc lông đuôi voi. Hiện món hàng này được nhiều người săn lùng và cũng thật khó để kiểm chứng là lông voi thật hay giả. Còn người M’Nông rất tối kỵ việc nhổ trộm lông đuôi voi, nếu bị bắt sẽ phạt nặng.

Người M’Nông ở Tây Nguyên được biết đến với nghề săn và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Hầu như các du khách khi đến Đắk Lắk, đặc biệt là huyện Buôn Đôn đều được nghe câu chuyện truyền miệng về tình yêu thủy chung của đôi trai gái người M’Nông gắn liền với chiếc nhẫn lông đuôi voi.

Lông đuôi voi và những sự tích huyền bí ảnh 1

Voi là người bạn thân thiết của đồng bào Tây Nguyên

Chuyện xưa kể rằng, có một đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng không đến được với nhau vì mâu thuẫn giữa hai làng. Chàng trai xin vị Thần lớn nhất Tây Nguyên (là Thần Voi) giúp đỡ. Thần tặng một chiếc nhẫn lông đuôi voi và họ đã nên nghĩa vợ chồng. Từ đó, nhẫn lông đuôi voi được xem là biểu tượng của tình yêu.

Theo các già làng ở Buôn Đôn, tình cảm giữa những “ông tượng” với “bà tượng” (voi đực và voi cái) thường rất khăng khít. Khi một đôi voi đã kết duyên thì chúng không muốn xa rời và luôn quấn quít bên nhau.

Già Ma Huynh (ở Buôn Đôn) kể, ngày ấy, ở huyện này có một con voi cái của gia đình Y Tep yêu một con voi đực cùng buôn từ khi còn nhỏ. Thời gian sau, chú voi đực bị bán cho một người ở buôn khác. Đến mùa sinh sản hai con voi này đã vượt rừng tìm đến nhau. Có lẽ vì thế mà người dân M’Nông ở Buôn Đôn quan niệm lông đuôi voi không chỉ đem lại sự may mắn, mà còn tượng trưng cho lòng chung thủy.

Lông đuôi voi và những sự tích huyền bí ảnh 2

Những chiếc nhẫn gắn lông đuôi voi được bày bán ở các quầy hàng

Người M’Nông tối kỵ việc nhổ trộm lông đuôi voi. Luật tục M’Nông quy định: Ai nhổ trộm lông đuôi voi phải đền một con heo, mấy ché rượu; ngoài ra phải đền tiền tùy theo mức chủ voi đưa ra. Sợi lông đuôi voi bị nhổ trộm sẽ bị đốt trong lễ cúng tạ lỗi với thần voi vì đã xúc phạm đến vị thần này của người M’Nông.

Các quản tượng ở đây cho biết, họ không bao giờ cho ai nhổ lông đuôi voi và cũng không bán cho ai. Nếu người nhổ trộm lông đuôi voi bị phát hiện, người đó sẽ bị phạt rất nặng. Mặc dù luật tục của đồng bào khắt khe đến vậy, nhưng một số kẻ xấu săn lông đuôi voi rình lúc voi nhà được thả rông để xông ra vặt hoặc cắt trộm.

Hiện nay, cái được gọi là nhẫn lông đuôi voi là một trong những mặt hàng lưu niệm khá phổ biến được bán trong các khu du lịch ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo anh Y Xuyên, người quản tượng tại một khu du lịch trên địa bàn huyện Buôn Đôn, anh chẳng bao giờ tìm mua loại nhẫn này. “Họ lấy sừng trâu bào ra từng sợi nhỏ y như hình chiếc lông đuôi voi rồi đánh bóng biến nó thành hàng như thật”, Y Xuyên nhận định.

Già Ma Huynh cho biết, theo quan niệm của người M’Nông, lông đuôi voi đem lại may mắn trong tình yêu và sức khỏe phải là cái lông rụng. Người đồng bào có tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, cho rằng có sự hiện diện của một vị Thần Voi bảo vệ nên họ có thể dũng cảm vượt qua được những khó khăn bằng chính nghị lực của mình.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.