Lau trắng thành cổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cõi nhân gian lạ lẫm, xuân với Thành Cổ như cánh én bay về liệng giữa khung trời ký ức. Những ai sinh ra trong chiến tranh sẽ không quên cuộc chạm trán lịch sử 81 ngày đêm giữa ta và địch. Đó là cuộc đọ sức lấy gan vàng dạ sắt chọi lại sự dã man kinh khủng được lượng hóa gấp 7 lần hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản cuối đại chiến thế giới thứ hai.

Có lẽ khái niệm “du lịch hoài niệm” bao hàm tất cả những chuyến ngược xuôi trên dải đất hình chữ S thân thương đều hẹn hò nhau về Thành Cổ Quảng Trị như vết thương tình yêu tấy lên sau đớn đau khắc khoải, sau thảng thốt nhớ thương, sau chan chứa ân nghĩa truyền đời sang các thế hệ con cháu được mặc định từ đây chăng.

Mảnh đất non Mai sông Hãn đầy sự tích truyền kỳ không phải nơi kỳ hoa dị thảo vẫy gọi tinh thần du hý mà là nơi lót ổ những tâm hồn hướng thiện, nơi phong kín những bản tình ca trong veo gửi vào mây trắng, nơi những khúc tráng ca từ lửa tim không nguôi cháy lên khát vọng và yêu thương mãnh liệt. Hàng nghìn trang văn khó nói hết hai chiều bi tráng trên dòng chảy thời gian đầy chấn động và ám ảnh này. Võ Quê, nhà thơ xứ Huế trưởng thành từ phong trào sinh viên chống Mỹ ở đô thị miền Nam có một thời áo trắng dậy sóng khuynh thành, không quên nơi anh từng sống trong phập phồng lửa đạn Cổ Thành đã khắc vào kỷ niệm: “Năm tháng đi tình yêu vẫn ở/Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau”.

Lau trắng thành cổ ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị chiều 6/4/2017.

Hòa bình trổ bông sau bom đạn mù trời, sau hoang tàn đổ nát. Mẹ dắt con, vợ cùng chồng trở về dựng lại quê hương không còn gì ngoài hai bàn tay trắng giữa ngút ngàn lau trắng. Trắng đến rợn ngợp. Trắng đến buốt nhói. Trắng đến se thắt. Hình ảnh đó dần dà đã nhường chỗ cho phố đông nhà cao và những hăm hở bước vào cuộc sống mới. Lau trắng lùi lại một góc Thành như nhân chứng thời gian còn lại. Niềm vui thật sự ai cũng thấy, ai cũng trào dâng muôn nỗi hân hoan. Nhưng nhiều lúc tôi lại tiêng tiếc, lại cứ muốn quay về, lại hằng mong “áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” như Trịnh Công Sơn từng có một tình yêu nằm lòng thiết tha, là cơ chi để lại một chút lau trắng cho Thành Cổ.

Thành Cổ bao giờ vẫn vậy, không ồn ào náo nhiệt, không tưng bừng cờ hoa; trầm lắng mà thiết tha, trang nghiêm mà thấu cảm về lẽ sống chết, chân lý, tình yêu và hạnh phúc.

Năm mới nói chuyện cũ mà không hề cũ. Âm dương cách biệt nhờ vào ký ức mà biết thương tưởng, biết “ôn cố tri tân”, biết ơn cao đức dày cha ông truyền dạy, biết mắt ướt mi ngoan nảy từ sinh ly tử biệt, biết lắng nghe xa xôi vọng niệm. Chiến tranh có chừa gì đâu. Người bước ra từ cuộc chiến Thành Cổ mới thấy cái khốc liệt chà đi xát lại đến “những lá non còn chưa kịp xanh/ những giọt sương chưa kịp sinh thành/ những giấc mơ chưa đi hết cái chợp mắt giữa hai trận đánh/ những điếu thuốc chưa đỏ nỗi niềm chia nhau ấm lạnh/những viên đạn lạnh lùng cắm vào tờ thư...” (Nguyên Thy). Sự dữ dội đâu đó bên trời Tây nhắc ta không quên cái giá bằng máu phải trả không gì sánh được, ngàn thuở không quên được. Lời nguyện cầu quốc thái dân an từ lòng người mà ra, không từ trên trời rơi xuống. Sự mê lầm nào cũng sẽ gánh gồng bất hạnh.

Lau trắng thành cổ ảnh 2

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.

Người Thành Cổ gieo vào tôi trăm mến ngàn thương. Bất kể họ là ai. Gặp nhau tay bắt mặt mừng pha chút ngậm ngùi, dễ cười dễ khóc dễ cùng trời cuối đất. Những cuộc vui bên chén rượu quê không quên rót mời người đã khuất. Những bông hoa trồng đầu tiên đặt lên bàn thờ trước khi đem ra chợ bán. Những đêm ca hát, đọc thơ dưới trăng thắp hương lên đất đai như một nghi lễ. Xuân ở Thành Cổ lắng đọng chứ không rộn rã hội hè như bao nơi khác. Đó là thế giới của hạnh ngộ và tri ân, của hiến dâng và chia sẻ, không khó để nhìn thấy.

Thời đại 4.0, có nhiều cách đi và trở về. Cách chúng ta 215 năm (1809), dưới thời vua Gia Long, Thành Cổ được xây dựng. Ban đầu, nó như một biểu tượng trấn giữ vòng ngoài kinh thành Huế. Xã hội phong kiến sụp đổ, tưởng chừng Thành Cổ trở thành “di tích của lặng im”, không còn ai nhắc tới nữa. Thế mà một ngày, Thành Cổ hiên ngang của một pháo đài thép, tiếng vang bay tận xa xôi đến các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bài học máu xương nẩy mầm khát vọng hòa bình không của riêng ai. Sau chiến tranh, Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ (1995), Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam (Peace Trees Vietnam) – một tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Mỹ đến Quảng Trị thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh. Cây xanh trên đất lửa không chỉ làm dịu những mất mát mà còn mang sứ mệnh của sự hàn gắn, hợp tác và phát triển. Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ trở lại xanh tươi trong thế giới của những trái tim đem ánh sáng đẩy lùi bóng tối, dựng xây tương lai tốt đẹp. Vui hơn nữa là năm 2024 sẽ diễn ra Lễ hội Vì Hòa bình (Festival For Peace) lần thứ Nhất tỉnh Quảng Trị. Sự kiện mang ý nghĩa to lớn này lấy Thành Cổ thị xã Quảng Trị làm tiêu điểm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân và báo ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự tồn vong của đất nước, xây dựng “không gian văn hóa vì Hòa bình, điểm đến vì hoà bình, biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị tàn phá khốc liệt do chiến tranh” và nhiều điều đáng nói khác nữa thể hiện trong kế hoạch chuẩn bị cho Lễ hội có một không hai này.

Lau trắng thành cổ ảnh 3

Tượng đài khu DTQGĐB Thành Cổ Quảng Trị.

Nước ta có biết bao nhiêu lễ hội và mỗi nơi một vẻ mang đặc trưng khá riêng biệt. Với Thành Cổ, tính cả Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn (còn gọi Lễ hội Hoa đăng) là hai cùng diễn ra một địa điểm trong năm. Đủ thấy, sức nóng của một địa danh luôn là mối quan tâm đặc biệt. Thành Cổ không chỉ mang trong mình thông điệp của quá khứ, của hiện tại mà còn của tương lai. Vì thế, từ sâu thẳm, về Thành Cổ như cuộc hành hương về chốn linh thiêng, cúi đầu tạ ơn những người hiến thân mình cho độc lập tự do, khắc cốt ghi tâm đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Vẻ đẹp đó cần được trân trọng, phát huy và giữ gìn cho muôn đời sau.

Thành Cổ bao giờ vẫn vậy, không ồn ào náo nhiệt, không tưng bừng cờ hoa; trầm lắng mà thiết tha, trang nghiêm mà thấu cảm về lẽ sống chết, chân lý, tình yêu và hạnh phúc. Dường như trên đường thiên lý bắc nam hay ngược lại, người trong nước hay nước ngoài, bất kể trước đây ở chiến tuyến nào hay phụng hiến một tôn giáo nào, khi đến Quảng Trị không quên một Thành Cổ đằm sâu trong trí nhớ với muôn nỗi trào dâng, bồi hồi xúc động vì trong mỗi xóm thôn, mỗi gia đình Việt xa gần có một phần máu thịt gửi lại mảnh đất đầy bi tráng, viết nên trang sử chói ngời trên dặm dài đánh giặc ngoại xâm.

Giữa tiết trời se se tháng Chạp, ngồi bên thành quách xưa nghe trái tim hồi vọng. Xa chút nữa, một cụm lau bông đã ngả màu. Một chút bâng khuâng chợt đến rồi ra nhuần thấm cái lẽ vô thường để trở về an nhiên mà yêu từng sát na (csana) của thực tại. Lau trắng ơi, người biết khiêm nhường, biết lặng im giữa muôn trùng cây cỏ; không lụy tất thảy những phủ dụ mà thản nhiên đứng trong trời đất, lớn lên từ đau thương bằng sức sống khó có gì so sánh. Nhìn lau thêm yêu mùa xuân đang tới, cứ gì phải muôn hồng nghìn tía khi ta có một Thành Cổ nở hoa trong vạn trái tim biết nhìn lại để tri ân và hướng tới để yêu tin cuộc sống này, phải không?

MỚI - NÓNG