Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều khu đất, công trình tại Dự án Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang bị cho thuê, sử dụng chưa đúng với quy hoạch ban đầu.

Nhiều công trình dở dang

Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng VHDL) nằm trong khu vực Đồng Mô (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 667 phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng VHDL. Đến tháng 10/1999, Dự án Làng VHDL được khởi công xây dựng. Sau hơn 10 năm, đến tháng 9/2010, Làng Văn hóa đã chính thức khai trương, mở cổng Làng.

Cũng trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, Làng VHDL tại Quyết định số 1689.

Theo quyết định này, dự án Làng VHDL có tổng diện tích 1.544ha (gồm 605ha đất, 939ha đất có mặt nước), dự án có 7 khu chức năng gồm: Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí (125,22ha); Khu Các làng dân tộc Việt Nam (198,61ha); Khu Di sản văn hóa thế giới (46,5ha); Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); Khu Công viên bến thuyền (341,53ha); Khu Cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); Khu Quản lý điều hành văn phòng (78,5ha)…

Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 1

Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có quy mô 1.544ha, hiện mới có khu Các làng dân tộc Việt Nam được đưa vào sử dụng.

Mục tiêu là xây dựng một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế.

Đồng thời, xây dựng một trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Đến tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng VHDL. Theo đó, Ban Quản lý Làng VHDL là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Làng VHDL theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay Dự án Làng VHDL mới chỉ có khu Các làng dân tộc Việt Nam được đưa vào sử dụng để phục vụ khách du lịch, trong khi các khu chức năng khác bỏ hoang hóa, đang chờ đầu tư xây dựng.

Cho thuê nhiều điểm chưa đúng mục đích

Điều đáng nói, dù đang trong quá trình chờ đầu tư nhưng những khu đất này đang bị cho thuê, hoặc sử dụng chưa đúng mục đích.

Có thể kể đến, tại khu đất đang chờ đầu tư ở vị trí cổng A Làng văn hoá (thuộc Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí - PV) thành điểm cho thuê đồ cắm trại, đua xe địa hình với tên gọi "Khu du lịch Đồng Mô Discovery".

Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 2
Tại khu đất đang chờ đầu tư ở vị trí cổng A Làng VHDL (thuộc Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí) biến thành khu vực cho thuê xe đua xe địa hình.

Tại Làng 3, khu vực nhà để xe ngựa nhằm tái hiện lại sinh hoạt của Đồng bào miền Tây Nam Bộ phục vụ khách du lịch - công trình do nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách nhưng được cho thuê kinh doanh, bán hàng lưu niệm chưa đúng mục đích.

Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 3
Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 4

Khu vực quy hoạch nhà để xe ngựa thành nơi kinh doanh, bán hàng lưu niệm.

Cũng theo ghi nhận, tại Làng VHDL có nhiều công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhưng không được sử dụng, quản lý hiệu quả để xuống cấp, bỏ hoang hóa, làm xấu đi hình ảnh của Làng VHDL.

Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 5
Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 6

Trao đổi với PV, ông Trịnh Ngọc Chung – Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Khu Các làng dân tộc Việt Nam được gia hạn tiến độ đầu tư đến năm 2025 để hoàn thiện các công trình còn dang dở. Hiện Làng VHDL đang vừa đầu tư vừa khai thác để phát huy hiệu quả đầu tư công, đồng thời để các công trình hạng mục đầu tư không bị xuống cấp, lãng phí. Tính thời điểm hiện tại, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước vào các dự án của khu Làng các dân tộc, ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Làng Văn hóa Dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu ảnh 7

Nhiều công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng để hoang hóa, lãng phí và xuống cấp.

Về lý do nhà để xe ngựa không được đưa vào sử dụng theo đúng mục đích ban đầu, ông Chung cho rằng, tại khu vực này xây dựng không gian giới thiệu lại nét văn hóa cho Đồng bào Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, do dự án chưa đầu tư xong hạ tầng, nếu đưa vào vận chuyển du khách bằng xe ngựa sẽ rất khó khăn và bất khả thi. Bản chất đây là khu dịch vụ, nhưng khi triển khai dịch vụ gì thì Ban sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.

Bên cạnh đó, do chưa đầu tư xong nên tại Làng VHDL không có bất cứ điểm nào bán đồ thiết yếu phục vụ du khách. Do đó, Ban Quản lý cho triển khai khu nhà để xe ngựa thành nơi cung cấp đồ thiết yếu phục vụ du khách. “Chúng tôi thực hiện lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ tại khu vực nhà để xe ngựa theo đúng luật quản lý tài sản công bằng các đề án, quy trình thủ tục theo quy định”, ông Chung nói.

Ông Chung thừa nhận, khu đất vườn hoa công cộng đang được sử dụng làm nhà hàng, quán nhậu. “Khi du khách đến Làng VHDL tham quan không có nơi để phục vụ ăn nhanh cho du khách nên tại thời điểm đó, chúng tôi thực hiện đề án cung cấp dịch vụ nhà hàng, lựa chọn đơn vị cung cấp theo đúng quy định. Đây là những công trình tạm cho thuê theo năm một, sau khi hết hợp đồng sẽ có đánh giá và có tiếp tục triển khai tiếp hay không”, ông Chung cho biết.

Về khu đất đang chờ đầu tư ở vị trí cổng A Làng văn hoá (thuộc Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí - PV) biến thành khu vực cắm trại, đua xe địa hình, ông Chung cho biết, sau dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cho phép thực hiện các thí điểm, Ban Quản lý Làng nghiên cứu và thấy tại Làng VHDL đang rất thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí nên đã thành lập tổ công tác làm việc với các đơn vị có liên quan thấy rằng nhu cầu của du khách là cần khu vui chơi, dịch vụ, đặc biệt là phục vụ giới trẻ. Bởi, trọng tâm của làng là hướng đến giới trẻ để giáo dục về giá trị văn hóa...

"Sau khi có đơn vị đề xuất cho hình thành mô hình này để cung cấp thêm dịch vụ cho làng, chúng tôi đã phối hợp xây dựng đề án thí điểm khai thác dịch vụ tạm. Đến hết tháng 12 năm nay sẽ hết thời gian thí điểm. Sau đó, chúng tôi sẽ họp và đánh giá lại đề án. Nếu hiệu quả thì đề xuất đưa vào như một gói dịch vụ cung cấp và sẽ thu tiền nộp cho nhà nước", ông Chung nói.

MỚI - NÓNG