Lạng Sơn: Giảm nghèo bền vững bằng cây đặc sản địa phương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại xã vùng cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Viện Nghiên cứu rau quả trung ương vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình tổ chức hội nghị tuyển chọn cây ưu tú hồng chanh rừng Mẫu Sơn.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chanh rừng Mẫu Sơn là loại đặc sản riêng có của huyện miền núi Lộc Bình, thường cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11, quả nhỏ hơn nhiều so với chanh thường, khi chín màu vàng, ăn có vị chua, vỏ thơm. Chanh rừng Mẫu Sơn ngâm với muối trắng hoặc mật ong có tác dụng tốt trong việc chữa trị một số bệnh như ho, viêm họng, cảm lạnh. Loại quả này còn có thể kết hợp với măng ớt làm món gia vị khoái khẩu trong các bữa ăn gia đình.

Lạng Sơn: Giảm nghèo bền vững bằng cây đặc sản địa phương ảnh 1

Hội đồng tuyển chọn loại giống chanh rừng ưu tú để nhân rộng -Ảnh: V.H

Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng tuyển chọn đã đánh giá 20 loại giống thông qua các chỉ tiêu như: đặc điểm sinh thái, tuổi cây, sinh trưởng, năng suất, hình thái và chất lượng quả,... Kết quả, đã lựa chọn được 15 loại giống cây ưu tú có ưu thế về năng suất và chất lượng. Hiện trên địa bàn huyện Lộc Bình có trên 50 ha cây chanh rừng, tập trung tại xã Mẫu Sơn.

Do có tính dược liệu cao, cây chanh rừng đã mang lại nguồn thu nhập tương đối cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, do người dân chỉ trồng và chăm sóc theo tập quán canh tác nên mới chỉ có trên 30 ha diện tích cây cho thu hoạch, sản phẩm còn hạn chế, chưa đủ cung cấp ra thị trường.

Ở các xã núi đá Mẫu Sơn, chủ yếu là người đồng bào dân tộc dao, chủ yếu sinh sống vào canh tác nông nghiệp và nghề rừng, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tương đối lớn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc tuyển chọn cây chanh rừng Mẫu Sơn ưu tú nhằm bổ sung cá thể tốt giúp phục tráng giống, bảo tồn dòng, giống tốt để khai thác vật liệu nhân giống, phục vụ mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Góp phần cùng đồng bào các dân tộc bảo tồn, phát huy, đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi thành hàng hóa, giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo bền vững.

MỚI - NÓNG