Làng nhang vào vụ Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tết cận kề là thời điểm các gia đình tại làng nghề làm nhang thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) tất bật sản xuất phục vụ người dân khắp cả nước.

Đến thôn Phong Ấp, người dân đang tất bật phơi và trở nhang dọc theo những con đường làng. Những ngày cận Tết, đầu làng cuối ngõ luôn tràn ngập mùi thơm dịu nhẹ từ những nén nhang phơi mình dưới cái nắng trong veo.

Nghề làm nhang của thôn Phong Ấp có cả trăm năm nay. Đến nay còn khoảng 20 hộ sống bằng nghề này. Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (58 tuổi, ở thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình) có truyền thống 3 đời làm nhang. Bà Xuyến là đời thứ 3 nối nghiệp, miệt mài gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Hiện bà cũng đang hướng dẫn cho con dâu tiếp cận nghề để chị thay bà gìn giữ truyền thống gia đình.

Làng nhang vào vụ Tết ảnh 1

Việc đóng bì, dán nhãn cho nhang giúp chị Trần Thị Kim Trực có thu nhập trong mùa dịch bệnh. Ảnh THỤC HIỀN

Nguyên liệu chính để làm nên một nén nhang là bột quế, ngoài ra họ còn pha thêm xác trầm để nhang có mùi hương dịu nhẹ hơn. Theo bà Xuyến, trước kia các hộ dân làm nhang bằng thủ công nên năng suất thấp, nhang không được đều và đẹp. Khoảng 10 năm trở lại đây, có sự hỗ trợ của máy móc, thành phẩm cho ra vừa đẹp lại vừa tiết kiệm thời gian và công sức.

Trước đây, khi làm nhang thủ công, mỗi ngày nhà bà chỉ làm được 10 - 15kg bột nhang, nhưng nay bà sử dụng đến 30kg bột mỗi ngày để làm ra nhang thành phẩm, năng suất tăng lên gấp nhiều lần. “Không phải nghề truyền thống là cứ phải làm thủ công. Truyền thống ở đây là lưu giữ được cái nghề của đời trước để lại. Vì vậy, ứng dụng máy móc để sản phẩm của mình ngày càng tốt hơn, được mọi người ưa chuộng hơn thì làng nghề mới không bị mai một”, bà Kim Xuyến chia sẻ.

Tăng thu nhập nhờ Tết

Đa số phụ nữ tại thôn Phong Ấp đều theo nghề làm nhang. Nhờ có nghề, chị em trong thôn có nguồn thu nhập ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Kim Trực (37 tuổi) trước đây bán đồ ăn cho học sinh trước trường tiểu học, nhưng do dịch bệnh chị xin vào một cơ sở nhang để làm kiếm thêm thu nhập. “Nếu không có nghề làm nhang tôi không biết phải làm gì trong lúc dịch bệnh. Nửa năm nay nhờ vào việc đóng bao bì và dán nhãn cho nhang, tôi kiếm được từ 2 - 3 triệu một tháng. Riêng 2 tháng gần đây, làm hàng Tết nhiều nên có khi một tháng tôi kiếm được hơn 6 triệu”, chị Trực nói.

“Nếu không có nghề làm nhang tôi không biết phải làm gì trong lúc dịch bệnh. Nửa năm nay nhờ vào việc đóng bao bì và dán nhãn cho nhang, tôi kiếm được từ 2 - 3 triệu một tháng. Riêng 2 tháng gần đây, làm hàng Tết nhiều nên có khi một tháng tôi kiếm được hơn 6 triệu đồng”.

Chị Trần Thị Kim Trực -thôn Phong Ấp

Bà Nguyễn Thị Ánh Thuỷ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Bình, cho biết: Trong năm 2021, lượng tiêu thụ nhang giảm 20 - 30% so với mọi năm. Dịp Tết Nguyên đán sắp đến, dự kiến thị trường nhang sẽ sôi động trở lại. Có thể lượng nhang bán ra dịp Tết này không bằng mọi năm nhưng chắc chắn vẫn sẽ được nhiều hơn những ngày bình thường trong năm. “Từ rằm tháng 10 đến cận Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu thụ nhang tăng cao nên các cơ sở sản xuất nhang thôn Phong Ấp cũng tất bật hơn. Điều đó làm cho thu nhập của người làm nghề nhang tại Phong Ấp sẽ tăng lên đáng kể trong những ngày cuối năm và họ sẽ có một cái Tết đầy đủ, no ấm”, bà Thuỷ chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.