Lan tỏa khát vọng độc lập và tinh thần dấn thân vì Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours năm 1920Ảnh tư liệu
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours năm 1920Ảnh tư liệu
TP - Con đường ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những bài học to lớn về khát vọng độc lập dân tộc, tinh thần tự chủ, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân cho các thế hệ trẻ hôm nay. Học tập và làm theo Bác để thế hệ trẻ kiên định với lý tưởng cách mạng, có khát vọng vươn lên, sớm hiện thực hóa khát vọng hùng cường như Bác hằng mong muốn.

Nêu cao ý chí tự lực, tự cường

Cách đây 110 năm, vào ngày 5/6/1911, với ý chí, tinh thần của tuổi trẻ và khát vọng giải phóng dân tộc cháy bỏng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Người xác định mục tiêu rõ ràng là tìm con đường đấu tranh đúng đắn để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình. Con đường Bác đi là tìm một con đường tranh đấu chứ không đi cầu ngoại viện, không tìm sự giúp đỡ của nước ngoài, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Người nêu cao ý chí khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình, tự lực, tự cường, tin vào sức mạnh của toàn dân, chứ không phải lực lượng của một hai người, một nhóm người...

Người luôn luôn đặt lên hàng đầu mục tiêu giải phóng dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước đồng thời lựa chọn phương pháp đấu tranh thích hợp đánh đổ hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến tàn bạo; tất cả vì lợi ích của toàn thể quốc gia, dân tộc. Con đường cứu nước không thể là tự phát mà phải là hành động tự giác, đoàn kết toàn dân tộc, do một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo và Đảng cách mạng đó phải được trang bị lý luận khoa học. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng giống như “người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Nguyễn Tất Thành tự lao động, làm việc để sinh sống với nhiều nghề khác nhau: phụ bếp trên tàu, làm phục vụ ở khách sạn, quét tuyết, làm bánh ngọt (ở Anh), in, rửa ảnh, chụp ảnh, vẽ minh họa cho các báo, viết báo… Sự lựa chọn các công việc đó trước hết để có thu nhập, để sống và làm việc lớn; qua công việc để hiểu, đồng cảm với những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi trên thế giới, và cũng để tự rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường, tu dưỡng đạo đức và bản lĩnh của chiến sĩ cách mạng. Trong hành trình đó, Người đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

30 năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo các phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Pác Bó - Cao Bằng. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam. Bác về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng có ý nghĩa động viên, cổ vũ rất lớn. Nhân dân đoàn kết, quyết tâm đi theo Đảng, theo Bác, theo sự nghiệp cách mạng. Nó mở ra thời kỳ mới của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập.

Vươn lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường

Tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành- Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là bài học quý báu đối với thế hệ trẻ hôm nay. Bác không bao giờ mất niềm tin vào chính mình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin rất lớn vào thanh niên. Bây giờ có độc lập rồi, làm sao giáo dục được thế hệ trẻ ý thức tự lực, tự cường. Phải có khát vọng, có tinh thần dấn thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Tuổi trẻ phải dám đương đầu với những khó khăn thách thức, có khát vọng vươn lên để hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Thế hệ trẻ phải trung thành với con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn, phát huy tinh thần đoàn kết tạo ra những bước phát triển ngoạn mục của đất nước.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Phát huy những thành quả đạt được, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là thế hệ trẻ phải phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

MỚI - NÓNG