Kỳ nhân khắc mộc bản đất Kinh Bắc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đôi tay tài hoa của anh Nguyễn Văn Thạo uyển chuyển đầy điêu luyện trên tấm ván gỗ thị để lưu giữ lại những dòng kinh Phật. Nhiều năm qua, anh dành tâm huyết cho niềm đam mê khắc mộc bản.

Kỳ công trên từng nét chữ

Ngôi nhà cấp bốn của anh Nguyễn Văn Thạo làm theo lối cổ nằm yên bình gần chùa Bút Tháp ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Trời chuyển rét đậm, nhưng anh Thạo đã thức dậy từ sáng sớm để chìm đắm với việc khắc mộc bản kinh Phật. Trên chiếc bàn nhỏ, anh thổi hồn vào những dòng chữ dần ẩn hiện trên tấm ván gỗ thị. Tạm nghỉ tay, anh thủng thẳng: “Tôi đang khắc bộ kinh Phật “Ngũ bách danh Quán thế âm kinh” do một ngôi chùa ở thành phố Hà Nội đặt hàng. Bộ kinh Phật này có 25 bản. Tôi vừa khắc xong bộ kinh “Dược sư”, với 22 bản, mất thời gian vài tháng mới hoàn thành. Khắc mộc bản là niềm đam mê, cả đời tôi dồn tâm huyết cho việc này”.

Năm nay, anh Thạo bước sang tuổi 48. Anh người làng Bút Tháp. Năm 16 tuổi, anh khăn gói đến vùng đất Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) để theo nghề chạm trổ gỗ mỹ nghệ. Học nghề thành thục, anh về nhà mở xưởng chạm trổ, tay nghề của anh nổi tiếng khắp vùng. Đôi tay tài hoa của anh vang tiếng ra ngoài tỉnh Bắc Ninh. Anh được các thầy giáo ở nhiều trường mỹ thuật tại Hà Nội đặt hàng chạm khắc những bức tranh dân gian. Đến năm 2000, cơ duyên đưa anh gặp nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và thư pháp gia Lê Quốc Việt, một người uyên thâm Hán học hàng đầu Việt Nam. Anh học hỏi được nhiều kiến thức mỹ thuật từ nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, chữ Hán từ thầy Lê Quốc Việt. Nhờ vậy, tay nghề của anh thêm điêu luyện và kiến thức Hán học được mở mang. Anh thêm tự tin để đi theo niềm đam mê khắc mộc bản kinh Phật.

Theo anh Thạo, nghề khắc mộc bản kinh Phật đòi hỏi nhiều công phu, với các công đoạn rất cầu kỳ. Đầu tiên là việc chọn và sơ chế gỗ cũng mất nhiều công sức. Mộc bản kinh Phật thường khắc trên gỗ thị. Anh chọn những cây thị thật già, có tuổi đời khoảng trăm năm. Sau đó, cây thị hạ xuống để ba tháng cây khô dần tự nhiên mới được xẻ thô. Xẻ tươi ván gỗ dễ nứt. Xẻ thô xong, các tấm gỗ thị được ngâm trong nước, ao bùn từ 3 – 5 tháng để tránh mối mọt, rồi mới được chế tác thành các tấm ván có kích cỡ khác nhau và được đánh bóng nhẵn.

Kỳ nhân khắc mộc bản đất Kinh Bắc ảnh 1

Một bản kinh Phật do anh Thạo khắc trên gỗ thị

Đang ngồi trò chuyện, anh Thạo kéo tôi ra một chiếc bàn nhỏ giữa sân, rồi chỉ lên tấm ván gỗ thị. Anh bảo, khắc mộc bản kinh Phật lên tấm ván gỗ thị là công việc đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều công phu và tâm huyết. Tay anh cầm con dao nhỏ trong túi đồ có hàng chục loại đục và dao khác nhau. Đôi tay của anh bắt đầu chuyển thể bản kinh Phật chữ Hán thành bản khắc gỗ. Lúc này, tâm trí anh nhập vào đường dao trên tấm ván gỗ thị.

Khắc mộc bản đòi hỏi sự tỉ mẩn, chính xác gần như tuyệt đối từng nét chữ. Chữ khắc kích thước bé tí, có chữ chỉ 5 milimét. Đôi tay phải cứng để khoét gỗ đủ sâu, lại vừa đủ mềm để khắc được những nét phẩy, nét mác, nét móc. Riêng nét móc lại có cả chục kiểu, phải làm sao lột tả đúng được những đường nét khi đuôi chữ hất lên, khi mềm mại bay bổng, khi rắn rỏi.

Cầm con dao nhỏ trên tay, anh Thạo bắt đầu khắc từng nét chữ một cách uyển chuyển, điêu luyện. Đầu tiên, anh khắc những nét viền của từng chữ. Con dao khắc các đường uốn lượn hay gấp khúc và cả những ngóc ngách của con chữ, với độ sâu đều đặn chừng 2 milimét. Tiếp đó, anh đi những nét ngay sát cạnh đường viền con chữ, để đục bỏ những phần không có nét. Khâu này gọi là “hạ nền”, rồi mới đi vào lòng chữ. Theo từng nét khắc, những mẩu gỗ bung ra, những chữ Hán vuông vức, uốn lượn dần hiện lên. “Khắc mộc bản đòi hỏi sự tỉ mẩn, chính xác gần như tuyệt đối từng nét chữ. Chữ khắc kích thước bé tí, có chữ chỉ 5 milimét. Đôi tay phải cứng để khoét gỗ đủ sâu, lại vừa đủ mềm để khắc được những nét phẩy, nét mác, nét móc. Riêng nét móc lại có cả chục kiểu, phải làm sao lột tả đúng được những đường nét khi đuôi chữ hất lên, khi mềm mại bay bổng, khi rắn rỏi. Tôi mất hàng tiếng đồng hồ mới có thể khắc xong một chữ trên tấm ván gỗ. Nếu không cẩn trọng, chỉ một chút sơ sẩy, sai một nét chữ là hỏng cả bản khắc, mất công sức mấy ngày”, anh Thạo chia sẻ.

Giữ lại vẻ đẹp của ông cha

Bên ấm trà nóng dưới gốc cây nhãn ở giữa sân nhà, anh Thạo say sưa nói về niềm đam mê khắc mộc bản. Anh bộc bạch, nhà anh cách chùa Bút Tháp vài chục bước chân. Những ngày còn bé, anh hay đến chùa Bút Tháp. Mỗi lần vào chùa, anh mê mẩn trước những kiệt tác về chạm khắc, kiến trúc ở ngôi chùa cổ này, trong đó có tuyệt phẩm pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt chạm khắc bằng gỗ tinh xảo (được công nhận bảo vật quốc gia). Có những lúc, anh mải ngắm nhìn những nét đục chạm của người xưa trên các pho tượng ở chùa Bút Tháp mà quên cả lối về. “Ngày còn nhỏ, ảnh hưởng từ những kiệt tác ở chùa Bút Tháp mà tôi luôn có đam mê, khát vọng được lưu giữ lại nét xưa, vẻ đẹp cổ của ông cha để lại. Bởi vậy, cả đời tôi mong muốn dành tâm huyết cho việc khắc mộc bản”, anh Thạo tâm sự.

Anh Thạo cho biết, ngay từ lúc còn trẻ mới bắt đầu “khởi nghiệp” nghề chạm khắc gỗ, anh đã chú tâm đến khắc các dòng tranh dân gian trên gỗ. Những dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng đã được anh lưu truyền trên những bản gỗ đầy sống động và có hồn. Từ năm 2000, anh Thạo bắt đầu chuyên tâm đến việc khắc mộc bản kinh Phật.

“Mấy năm nay, tôi cũng dành tâm huyết để truyền nghề cho hai đoàn viên, thanh niên trong thôn cũng có đam mê khắc mộc bản, với mong muốn thế hệ trẻ giữ gìn và tiếp nối những giá trị của ông cha”, anh Thạo cho hay và thông tin thêm năm 2015, một cơ quan bảo tồn văn hóa ở Hà Nội đặt hàng anh khắc mộc bản một bộ kinh Phật, với 75 bản. Anh dành tâm huyết suốt 2 năm để hoàn thành việc khắc mộc bản bộ kinh Phật này.

Theo anh Thạo, người khắc mộc bản kinh Phật phải có đam mê, yêu giá trị cổ của người xưa mới có thể gắn bó với công việc. Việc khắc mộc bản mất rất nhiều thời gian. Anh bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm đến đêm khuya. Anh thường mất từ 3 – 5 ngày mới có thể khắc xong một tấm ván kinh Phật. Để khắc mộc bản xong một bộ kinh Phật, thời gian tính bằng tháng, bằng năm, có khi cả chục năm. Tính đến nay, anh đã khắc xong 2 bộ kinh Phật, anh đang làm bộ kinh thứ 3. “Tôi làm không hết việc, các cơ quan bảo tồn văn hóa và các chùa liên tục đặt hàng tôi khắc mộc bản các bộ kinh Phật. Khắc mộc bản đòi hỏi sự kỳ công hơn, dành nhiều tâm huyết hơn chạm khắc gỗ mỹ nghệ, nhưng thu nhập thấp hơn. Tính ra, khắc mộc bản kinh Phật mang về cho tôi khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Dù thu nhập ít hơn, nhưng tôi vẫn chuyên tâm với niềm đam mê khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại”, anh Thạo tâm sự.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.