Đâu rồi hồn cốt vịnh di sản

Kỳ 3: Ai đánh mất văn hóa làng chài?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những kết quả nghiên cứu khoa học, khảo cổ... đã khẳng định văn hóa cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long trong suốt hành trình lịch sử gắn liền với tiến trình dựng nước, giữ nước. Vịnh Hạ Long là "ngôi nhà" chung của các cư dân nền văn hóa cổ hàng nghìn năm trước, tiếp nối nhau từ văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long.

Chủ nhân đầu tiên của di sản

Từ bao đời qua, hình ảnh của những ngư dân sống quanh năm trên vịnh Hạ Long đã trở nên quen thuộc. Họ coi thuyền, bè là nhà và vịnh là quê hương. Họ là những chủ nhân đầu tiên của di sản và bằng chính cuộc sống của mình, họ đã tạo nên những giá trị văn hoá nhân văn độc đáo cho một Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, với những danh mục trong nội dung đề án trên, những ngư dân còn bám trụ tham gia đề án chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là những người chèo đò. Còn những diễn viên, ca sỹ, nghệ sỹ là ngư dân của làng chài hầu hết đã bỏ nghề. Riêng công trình Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn trong đề án lại được chính phủ Na Uy tài trợ.

Du khách đến tham quan các làng chài trên vịnh luôn bất ngờ khi ngắm nhìn những con người, ngôi nhà, con thuyền trong không gian sóng nước mênh mông. Hình ảnh về những ngôi nhà gỗ, lớp học nổi lênh đênh trên sóng nước, các em nhỏ chèo thuyền đi học, những chiếc thuyền câu bé nhỏ cô đơn trong bóng chiều luôn ám ảnh và để lại những ấn tượng khó quên.

Để có được những hình ảnh giản dị đó, ngư dân các làng chài trên vịnh Hạ Long tích tụ qua hàng nghìn năm lịch sử. Quá trình hình thành và phát triển đó gắn liền với nền văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn nổi tiếng. Nền văn hóa Soi Nhụ của vịnh Hạ Long có lịch sử cách ngày nay ít nhất 25.000 năm, kế tiếp là văn hoá Cái Bèo, gạch nối giữa văn hoá Soi Nhụ và văn hoá Hạ Long ngày nay.

 Kỳ 3: Ai đánh mất văn hóa làng chài? ảnh 1

Cuộc sống của ngư dân trên làng chài Cửa Vạn trước ngày di dời

Theo những nghiên cứu khoa học và lịch sử, từ đầu thế kỷ 19, người ta đã thấy sự có mặt của ngư dân Giang Võng (khu vực Hà Khánh), Trúc Võng (khu vực Cái Lân) trên vịnh Hạ Long mà hậu duệ của họ là những người dân chài sống trên các làng chài nổi Ba Hang, Cống Tàu, Vung Viêng, Cửa Vạn ngày nay. Cuộc sống, sinh hoạt trên biển đã tạo ra những nét văn hóa đặc trưng riêng cho người dân làng chài trên vịnh Hạ Long.

“Xưa kia phương tiện khai thác thủy sản của ngư dân Giang Võng, Trúc Võng trên vịnh Hạ Long là những chiếc thuyền nan. Do ngư trường khai thác hoạt động chủ yếu trong vịnh nên những chiếc thuyền nan được ngư dân gắn thêm chiếc buồm. Hình ảnh chiếc thuyền buồm lướt nhẹ trên sóng đã tạo nên nét đặc trưng của ngư dân vịnh Hạ Long”, cụ Phạm Ngọc Thực người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh nói.

 Kỳ 3: Ai đánh mất văn hóa làng chài? ảnh 2

Những diễn viên, ca sỹ, nghệ sỹ là ngư dân của làng chài tham gia thực hiện đề án phục dựng văn hóa hầu hết đã bỏ nghề

Cùng với lịch sử phát triển lâu đời, các làng chài trên vịnh Hạ Long còn là những điểm trung chuyển, tránh trú và cũng chính là những điểm trao đổi hàng hóa của cư dân bản địa với các tàu buôn nước ngoài trước khi cập bến thương cảng cổ Vân Đồn. Bằng chứng rõ nhất cho đến nay vẫn còn nhiều di chỉ khảo cổ minh chứng cho việc xuất hiện các mảnh gốm sứ cùng chủng loại, niên đại với thương cảng Vân Đồn.

Nằm lênh đênh giữa sóng nước, những con người làng chài đã sống và gắn bó cả cuộc đời mình với biển. Vất vả và bấp bênh, nhưng bằng tâm hồn phong phú, giàu cảm xúc, đời sống văn hóa của ngư dân trên vịnh Hạ Long là cả một kho tàng khổng lồ về ca dao, tục ngữ, dân ca và cả phong tục tập quán, lễ hội.

Họ đã sáng tạo nên những câu hát giao duyên trữ tình và truyền lại cho con cháu. Câu hát gửi gắm tâm tư, tình cảm của người dân làng chài. Những cung bậc của cảm xúc tình yêu, buồn vui, hờn giận. Họ hát để được giải tỏa, để trải lòng mình với sóng nước mênh mông.

Không còn ngư dân bám trụ

Từ năm 2014, những câu hát của ngư dân vịnh Hạ Long bắt đầu “đứt đoạn”, khi cuộc sống của họ bị đảo lộn. Những con người quen với sóng nước bỗng dưng lên bờ an cư. Bè nổi, nhà cửa và cả ngư cụ đều được ngư dân bỏ lại, chuẩn bị cho một cuộc sống mới trên đất liền.

Chỉ sau vài tháng sau khi ngư dân lên bờ, chính quyền Quảng Ninh bắt đầu rầm rộ xây dựng các đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng chài. Ban Quản lý vịnh Hạ Long được chọn làm “chủ công” trong công cuộc phục dựng văn hóa của ngư dân trên vịnh. Những ngôi nhà được giữ lại, mô hình lớp học nổi, thư viện, nhà sách được tái hiện và dựng phim giới thiệu làng chài...

Rậm rịch sau 4 năm nghiên cứu, năm 2017, UBND TP Hạ Long mới ban hành Kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên vịnh Hạ Long với kinh phí thực hiện dự kiến hơn 1.698 tỷ đồng. Kinh phí trên được trích từ nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long.

Cụ thể, tại khu vực làng chài Cửa Vạn sẽ được xây dựng Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn nhằm trưng bày, giới thiệu đời sống sinh hoạt, tinh thần, phương thức kiếm sống của ngư dân giai đoạn trước và sau khi di dời.

Tại đây còn tổ chức chiếu phim tư liệu tái hiện đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân, truyền dạy, trình diễn hát giao duyên, hát đám cưới, hò biển. Bên cạnh đó, còn tái hiện mô hình lớp học nổi trẻ em làng chài, trình diễn tổ hợp đan lờ, đan lưới, sửa chữa ngư cụ. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm làm ngư dân trên vịnh Hạ Long.

Ngày 11/10/2022, khi đang thực hiện bài viết này, phóng viên Tiền Phong đã có buổi trao đổi với đại diện lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Khi được hỏi đến tiến độ thực hiện các dự án phục dựng văn hóa các làng chài trên vịnh, vị đại diện lãnh đạo ban cho biết, hiện có 80 ngư dân tham gia các công việc có liên quan trên vịnh, đa số là chèo đò chở khách tham quan. Riêng đề án hơn 1.698 tỷ đồng trên ông không nắm được vì mới về nhậm chức chưa lâu.

“Các ngôi nhà của ngư dân trước đây đang xuống cấp trầm trọng. Vì là tài sản công nên muốn sửa chữa cũng khó. Ban cũng muốn xã hội hóa nhưng số tiền sửa chữa những ngôi nhà này mất khoảng 10 tỷ đồng. Không có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra đảm nhiệm cả”, vị lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long nói.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG