Kích cầu du lịch: Đừng đổ lỗi cho nhau

TP - Các điểm đến du lịch vắng khách lập tức đổ lỗi cho hàng không bán vé giá quá cao, trong khi chính các điểm đến du lịch lại tìm cách thu phí thay vì giảm giá kích cầu. Việc thiếu một bàn tay kết nối các doanh nghiệp với nhau để kích cầu du lịch đang khiến các doanh nghiệp, lĩnh vực đùn đẩy và đổ lỗi cho nhau.

Vé máy bay đã “hạ nhiệt”

Ngày 29/6, khảo sát trang bán vé máy bay của các hãng cho chuyến bay nội địa giai đoạn cao điểm hè tháng 7 và 8 tới, giá vé máy bay đã giảm tới khoảng 1 nửa so với mức giá công bố bán ra hồi tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua (cùng chặng bay, thời gian đi). Cụ thể, đường bay Hà Nội - Phú Quốc đi trong tháng 7, giá vé máy bay chỉ từ 1,1 triệu đồng/chiều trở lên (đã gồm thuế phí), nếu bay trong tháng 8, giá vé chỉ khoảng 800 nghìn đồng/chiều. Cùng đến Phú Quốc nhưng đi từ TPHCM, tháng 7 và 8 tới nhiều ngày còn có giá vé bay 0 đồng, cộng thêm thuế phí chỉ khoảng 700 nghìn đồng/chiều (với rất nhiều lựa chọn các ngày cả trong tuần và cuối tuần, giờ bay cũng linh hoạt cho khách chọn). Với các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đến điểm du lịch Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt… cũng chỉ từ 1 triệu đồng/chiều. Giá vé máy bay cao (từ 2 triệu đồng/chiều trở lên), đi trong tháng 7, 8 tới, chỉ còn ở những đường bay ít hãng khai thác, số chuyến bay trong ngày không nhiều, như Hà Nội - Tuy Hòa (Phú Yên), Hà Nội - Côn Đảo, TPHCM - Đồng Hới, TPHCM - Tuy Hòa…

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, trong 6 tháng đầu năm nay, giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng hơn 3,7%, do nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng; giá vé máy bay tăng hơn 65,7%, giá vé tàu hỏa tăng trên 32%, giá vé ô tô khách tăng hơn 11%, do nhu cầu đi lại du lịch và các dịp nghỉ lễ, Tết, hè tăng cao, trong khi nửa đầu năm trước vẫn chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, sau đó chớm mở cửa trở lại từ tháng 3/2022.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia hàng không và du lịch - TS. Lương Hoài Nam cho rằng, việc giá vé máy bay tăng cao hồi đầu hè năm nay cho thấy sự kết nối giữa doanh nghiệp hàng không và du lịch chưa tốt, chưa có ai đứng ra làm công việc này. Trong khi đó, các nước trong khu vực, điển hình như Thái Lan, làm công việc kết nối này rất tốt, do các cơ quan du lịch hay hiệp hội doanh nghiệp đứng ra, nhằm giảm giá kích thích thị trường. “Ở ta hàng chục năm nay vẫn vậy, du lịch nói vắng khách do giá vé máy bay cao và đòi hòi hàng không giảm giá vé. Trong khi hàng không nói ít người đi máy bay vì dịch vụ du lịch ở mặt đất quá cao, không ai giảm giá, thậm chí mặt đất còn thu thêm vé điểm đến. Những năm ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua, mỗi khi dịch được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến du lịch có người đứng ra thực hiện, nên rất thành công. Hết dịch đâu lại hoàn đấy, du lịch và hàng không nói qua nói lại, đổ lỗi cho nhau. Chỉ có một số doanh nghiệp khách sạn, nghỉ dưỡng bắt tay với các hãng hàng không để bán vé trọn gói cả nghỉ và bay, với giá ưu đãi, còn bắt tay để kích cầu trên quy mô toàn thị trường chưa có, các doanh nghiệp tự xoay xở”, ông Nam nói.

Kích cầu du lịch: Đừng đổ lỗi cho nhau ảnh 1

Giá vé máy bay hè bắt đầu giảm Ảnh minh họa: PT

Thiếu “nhạc trưởng”

Một cán bộ Cục hàng không (Bộ GTVT) nêu quan điểm, thời gian qua đã có một số công ty du lịch lớn bắt tay với hàng không để phát triển thị trường, đặc biệt khách quốc tế rất thành công. Thực tế, với chặng bay quốc tế, khách bay lẻ đặt vé bay trực tiếp không nhiều, các chuyến bay chủ yếu vẫn chở khách du lịch đoàn đi theo các công ty lữ hành. Vé máy bay cho khách của các công ty lữ hành chắc chắn sẽ rẻ hơn giá vé bán cho khách lẻ đặt trực tiếp với hãng hàng không. Với nội địa, cũng có một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng kết hợp với hàng không để bán vé trọn gói, giá rẻ hơn đặt lẻ. Hàng không cũng cung cấp cho các công ty du lịch một lượng vé giá chắc chắn thấp hơn giá vé khách đặt lẻ trực tiếp với hãng hàng không.

Tuy nhiên, theo vị cán bộ trên, không thể so sánh mặt bằng giá vé máy bay hiện nay với giai đoạn năm 2020-2022, khi dịch COVID-19 còn ảnh hưởng. Thời điểm 3 năm trước, các hãng hàng không chủ yếu bay nội địa, cần tiền mặt, người lao động cần việc làm, máy bay cần hoạt động, nên bán vé giá rất thấp, chỉ cơ bản bù được chi phí nhân công, nhiên liệu, dẫn tới các hãng bay đều lỗ lớn. Giá vé máy bay thời điểm này phải so với giai đoạn năm 2018 - 2019 mới phản ánh đúng cung - cầu thị trường, chưa kể tác động của giá nhiên liệu, lãi suất, tỷ giá lên hàng không rất lớn. Các hãng bay cũng phải tính toán để làm ăn có lãi, nếu không sẽ phá sản sau 3 năm lỗ liên miên, ai cứu?. “Nhiều nước trên thế giới, không chỉ Thái Lan, làm rất tốt trong việc kết nối làm thị trường giữa hàng không và du lịch để 2 bên cùng thắng, thậm chí được sự hỗ trợ của nhà nước. Không phải khi vắng khách thì đòi hỏi bắt tay, chia sẻ, nhưng khi có khách lại tìm cách cắt đứt, muốn thắng nhiều hơn. Để du lịch Việt Nam cạnh tranh rất cần bàn tay tổng thể, phải có ai đó đứng ra kết nối các doanh nghiệp cùng lĩnh vực và các lĩnh vực với nhau, điều còn thiếu hiện nay”, vị cán bộ nêu trên nhận xét.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.