Khóc được bao lâu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mới đây, vụ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ở Thái Bình “biến mất” tới gần 90 diện tích khiến dư luận xôn xao một chút. Tất nhiên hàng chục ngàn héc ta này chẳng “mất” đi đâu, mà sẽ biến thành bất động sản, resort, sân gôn,… chễm chệ ngự giữa vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận gần 20 năm trước.

Việc bị thế giới tước bỏ danh hiệu thiên nhiên quý giá và hiếm hoi này có lẽ chẳng còn bao xa. Năm ngoái, đề xuất làm con đường xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai còn không được UNESCO chấp thuận, huống gì…

Nhưng chúng ta liệu sẽ xôn xao được bao lâu, khi bao chuyện nóng khác sẽ lại trùm lên thời sự mỗi ngày? Như những lời khóc than mỗi khi núi đồi, đất đai đổ sụp, trôi dạt nhấn chìm cả làng, cả phố, cả núi trên cao nguyên, cả đảo giữa biển khơi, cả cao tốc mười mấy ngàn tỷ đồng vừa mới khánh thành... Chúng ta sẽ than khóc được bao lâu?

Mưa lũ, sạt lở, ô nhiễm kinh hoàng nhưng không khiến con người chùn tay. Đà Lạt, Phú Quốc, Tam Đảo, Sa Pa, Tây Nguyên,… Xẻ thịt đất, rừng khắp nơi. Sóc Sơn, núi đá Hạ Long,… Chúng ta lần đầu tiên chứng kiến con sông Đà khổng lồ cạn kiệt nước, nhưng sẽ quen dần, rồi đến mức thấy nhàm.

Vịnh biển Lộ Diêu đẹp như thiên đường trên mặt đất sắp sửa bị đè lên bởi khu luyện thép rộng tới gần 500 ha. Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh đã chi phí cả triệu đô la Mỹ và thời gian 6 năm để theo đuổi với hàng trăm đợt khảo sát, được UNESCO đánh giá có địa chất địa mạo hiếm có trên thế giới, khi sắp về đích thì địa phương lại đột ngột hủy bỏ. Thiên nhiên hay danh hiệu gì cũng phải nhường chỗ cho dự án, cho tiền.

Kỷ nguyên công nghiệp mới tính bằng trăm năm mà sức tàn phá thiên nhiên, môi trường bằng triệu năm cộng lại. Một hòn đảo du lịch giữa Thái Bình Dương như Hawaii mà chỉ một vụ cháy rừng vừa xong đã thiêu rụi hơn 2.200 ngôi nhà, giết chết hàng trăm người và 1.300 người mất tích. Không thể biện minh lý do gì khác, ngoài hậu quả của biến đổi khí hậu, của những cơn gió dại điên cuồng thổi lửa về phía con người. Bổ sung vào vô vàn những hình ảnh của thời khắc tận thế.

“Rừng trong phố” giữa nội đô Hà Nội như gợi ý mới đây của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có là viễn tưởng, khi mà đất ở cho người, đất xây trường lớp còn không có? Sao không nghĩ về một khu rừng xanh ngắt giữa phố phường, nếu chỉ lấy một phần trong tổng diện tích hàng ngàn héc ta sau khi di dời mấy chục trụ sở bộ, ngành, cơ quan trung ương, cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô? Nhưng ai sẽ không cho rằng đây là ý tưởng “điên khùng”?

Biến đổi khí hậu đang khiến loài người bị mất ngủ nhiều hơn, trái đất bị sấm sét giáng xuống nhiều hơn, và trở nên tối hơn do ánh sáng mặt trời chiếu xuống bị ngăn trở. Cuộc đấu tranh gìn giữ sự sống còn của môi trường gian nan, vật vã, nhích lên từng chút một để rồi lại tụt xuống sâu hơn. Đâu có dễ dàng như việc nhận những va ly đầy đô la để rồi vứt xó “quên bẵng” như nhiều quan chức vừa vào “lò”.

Những xôn xao rồi sẽ lại im bặt, nhường chỗ cho những thứ ồn ào khác. Mặc cho cái chết của hành tinh này đang đang từng ngày dội xuống chính số phận mỗi người. Chúng ta sẽ than khóc được bao lâu?

MỚI - NÓNG