Khoảng 1.000 ha lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn

TPO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến nay, vụ lúa Đông Xuân muộn có khoảng 6.000ha canh tác ngoài kế hoạch. Trong đó ghi nhận khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn do hạn hán, xâm nhập mặn.

6.000 ha lúa xuống giống ngoài kế hoạch

Sáng 25/3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu đã khảo sát tình hình hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.

Kế Sách có hơn 9.300 ha đất trồng lúa, hơn 18.000 ha trồng cây lâu năm. Lãnh đạo UBND huyện cho biết mặn xâm nhập bắt đầu từ cuối tháng 12/2023. Đến nay, đã có 4 đợt mặn xâm nhập với độ mặn cao nhất tại Vàm Nhơn Mỹ 6,7‰, tại thị trấn Kế Sách 5,1‰. Tại khu vực ấp Cây Sộp Bồ Đề thuộc vùng cuối nguồn, nước mặn không thoát ra có nguy cơ ảnh hưởng 30 ha, trong đó có 10 ha lúa.

Khoảng 1.000 ha lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu kiểm tra tình hình hạn, mặn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 8/2 đến 1/3, xâm nhập mặn theo sông Hậu vào sâu trong nội đồng, xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Long Phú - Tiếp Nhật và Kế Sách.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết nhờ chủ động ứng phó, nên vụ lúa Đông Xuân đã đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao, một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất vụ Đông Xuân muộn (vụ 3) vào cao điểm xâm nhập mặn, nên rủi ro cao về thiếu nước, ngộ độc phèn. “Hiện tại, chúng tôi cũng cố gắng duy trì, tiếp nước cho bà con để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại”, ông Đạo nói.

Sở NN&PTNT Sóc Trăng thông tin tính đến 23/3, huyện Long Phú người dân sản xuất lúa ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp khoảng 6.000 ha. Trong đó, khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn, nguy cơ thiếu nước cho diện tích lúa này rất cao.

Khoảng 1.000 ha lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn ảnh 2

Nông dân bơm nước vào ruộng lúa sau nhiều ngày thiếu nước tưới.

Thêm cống trên 500 tỷ sẽ vận hành cuối năm nay

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu đã kiểm tra công trình cống âu Rạch Mọp, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án cố tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay.

Khoảng 1.000 ha lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn ảnh 3

Cống âu Rạch Mọp sẽ vận hành cuối năm 2024 để ngăn mặn.

Nhiệm vụ của công trình là kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.200 ha đất tự nhiên trên địa bàn các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP. Sóc Trăng, giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra với diện tích tự nhiên trên 36.000 ha thuộc tỉnh Sóc Trăng và một phần của Hậu Giang...

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương trong việc ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời, lưu ý các địa phương cần xem ngành nông nghiệp là trụ đỡ trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Bên cạnh tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn, ngành nông cần quan tâm đến các giải pháp lâu dài.

Khoảng 1.000 ha lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn ảnh 4

Người dân trữ nước ngọt trong ao để phục vụ sản xuất. Ảnh: Nhật Huy.

“Địa phương cần tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất tiết kiệm. Phát huy các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, thực hiện thường xuyên liên tục việc rà soát, nạo vét kênh, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt”, ông Lâu nói.

Ông Lâu cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh, phối hợp với địa phương rà rà soát, lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cống trên địa bàn, kịp thời sửa chữa những cống xuống cấp. Đảm bảo các cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.

Ngày 27/3/2024, Báo Tiền Phong với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khoảng 1.000 ha lúa ở Sóc Trăng bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn ảnh 5
Miền Tây quay quắt giữa hạn, mặn: Nương theo quy luật để thích ứng lâu dài ảnh 3 Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, lãnh đạo và chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ, các chuyên gia độc lập về môi trường, biến đổi khí hậu, trồng trọt, nước sạch, đại diện sở ngành các tỉnh đang chịu tác động bởi hạn, mặn gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, đại diện lãnh đạo chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ lợi, nước sạch.

Hội thảo sẽ được trực tiếp và trực tuyến:

Trực tiếp: 8h30 ngày 27/3, tại Đại học Cần Thơ - Đường 3 tháng 2, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Trực tuyến trên tienphong.vn, fanpage Báo Tiền Phong.

Tin liên quan