Khi 'trẻ con' nói chuyện về bình đẳng giới với bố mẹ

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tăng cường tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên trong việc thúc đẩy bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã tổ chức khóa tập huấn "Thanh thiếu niên và bình đẳng giới" với sự tham gia của 40 em học sinh trường THPT Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La), diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/4. Đây là hoạt động thứ hai trong khuôn khổ dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” của quỹ.

Vân Hồ là huyện vùng cao, nằm ở phía đông nam của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc anh em sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc Thái, Mường và Mông, Dao. Mặc dù, huyện đã có những phát triển về phổ cập giáo dục cơ bản, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những định kiến và phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở cả cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Khi 'trẻ con' nói chuyện về bình đẳng giới với bố mẹ ảnh 1
Buổi tập huấn của Quỹ vì Tầm vóc Việt và 40 em học sinh của THPT Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La).

Do đó, để phát huy được tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên trong thúc đẩy bình đẳng, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã tổ chức khóa tập huấn “Thanh thiếu niên và bình đẳng giới” diễn ra trong 3 ngày từ 4/4 đến 6/4 tại trường THPT Vân Hồ (huyện Vân Hồ). Khóa tập huấn được điều hành trực tiếp từ các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới, như: Bà Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt; bà Nguyễn Phương Chi - Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Quản lý Khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam và bà Hoàng Thị Hường - Nhà hoạt động về giới và sáng lập Toha Coffee.

Thông qua các trò chơi trải nghiệm, các phương pháp điều hành gần gũi và sáng tạo, các bạn thanh thiếu niên đã mô tả được một số khái niệm cơ bản về giới và bình đẳng giới, nhận diện được các vấn đề bất bình đẳng giới trong mối liên hệ với các vấn đề khác tại địa phương mình và thực hành được kỹ năng tổng hợp thông tin và chia sẻ các vấn đề trên với người khác; trong đó có bố mẹ mình.

Đặc biệt, trong khóa tập huấn, các bạn đã lựa chọn 4 nhóm vấn đề được quan tâm tại địa phương, bao gồm: trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn. Từ đó, các bạn đã xây dựng những sản phẩm truyền thông dưới nhiều hình thức sáng tạo như tranh vẽ, kịch ứng tác,v.v...

Khi 'trẻ con' nói chuyện về bình đẳng giới với bố mẹ ảnh 2

Nhóm các bạn học sinh cùng tham gia tìm hiểu, sáng tạo giải pháp về vấn đề tảo hôn.

Em Hà Đức Hiệp (lớp 11A1, dân tộc Thái) chia sẻ: "Sau khóa tập huấn, em hiểu sâu hơn về kiến thức chống xâm hại tình dục ở trẻ em, bạo lực gia đình. Trước đây, ít khi mẹ nghe em nói về những vấn đề này, nhưng sau khi được tập huấn, mẹ em có sự lắng nghe hơn. Có nhiều vấn đề khi em nói đến, mẹ em vẫn còn những định kiến sai".

Em Đường Huy Du (lớp 11A6, dân tộc Thái) cho biết: "Em nhận ra rằng, chính mình vẫn còn những định kiến và khuôn mẫu giới. Chắc không thể ngày một, ngày hai mà xóa bỏ ngay được, nhưng em và các bạn sẽ nỗ lực hết sức để thay đổi và vận động mọi người cùng thay đổi".

Khi 'trẻ con' nói chuyện về bình đẳng giới với bố mẹ ảnh 3

Các em học sinh chụp ảnh kỉ niệm cùng ban tổ chức, các anh chị phóng viên, nhà báo sau tọa đàm “Thanh thiếu niên và bình đẳng giới”.

Sau khóa tập huấn, các em đã có thể tự tin thuyết trình trong buổi tọa đàm “Chuyện bình đẳng - Góc nhìn của người trẻ” trước các phóng viên, nhà báo để nói về các vấn đề bất bình đẳng giới nổi cộm tại quê hương.

Ngay trong toạ đàm, Quỹ vì tầm vóc Việt chính thức công bố gói tài trợ sáng kiến vì cộng đồng với chủ đề "Chuyện bình đẳng- Tiếng nói của thanh thiếu niên".

Từ đó, Quỹ vì tầm vóc Việt kêu gọi đề xuất Sáng kiến vì Cộng đồng – với Chủ đề “Chuyện bình đẳng – Tiếng nói của thanh thiếu niên”, từ chính các bạn thanh thiếu niên đã tham gia khóa tập huấn, cùng hơn 20 phóng viên, cán bộ truyền thông đã tham gia hoạt động của dự án "Góp tiếng nói- Thêm bình đẳng" để tiếp thêm động lực và cảm hứng, trở thành những nhân tố tạo sự thay đổi thông qua các hoạt động kết nối và chia sẻ.

MỚI - NÓNG