Khi lao động thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bức tranh lao động việc làm cả nước vẫn đang tiếp tục nằm trong... “vùng xám”. Hơn 500 ngàn lao động đã mất việc vào cuối năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 ước tính là 2,25% dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tất cả như vẫn “toát” lên thông điệp: con số cắt giảm việc làm tại các doanh nghiệp vẫn gia tăng, chưa có ý định dừng.

Kết hợp với sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cả trong nước và thế giới, dự báo lao động mất việc làm tiếp tục kéo dài sang quý 2/2023 và có thể hệ lụy hết năm.

Hai năm đại dịch COVID-19 đi qua, đến giờ, nỗi lo lắng của người lao động không chỉ là lạm phát gia tăng, ô nhiễm môi trường mà kinh tế tăng trưởng chậm đang kéo theo những hệ lụy về thất nghiệp, việc làm đang từng ngày “thúc” vào miếng cơm manh áo của chính gia đình họ. Đầu năm 2023, khi chúng tôi vào TPHCM những ngày áp Tết, thấy cả một khu chợ đầu mối hoa Đà Lạt- Sài Gòn bữa đó lưa thưa vắng khách, sức mua èo uột dù Tết đã cận kề. Chị chủ một cửa hàng ở TPHCM kể, các khu nhà trọ gần chợ đầu mối nơi chị ở đã trống vì công nhân mất việc nên người ta lần lượt rời bỏ, “khăn gói” về quê... Còn hiện tại, sức mua quá thấp khiến hàng loạt siêu thị tại TPHCM phải khuyến mãi, khóa giá, thậm chí bán hàng không lợi nhuận để kéo khách về.

Khó vẫn đang chồng khó! Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu gần nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 và đáng nói, hiện tượng TP Hồ Chí Minh (vốn dĩ luôn là đầu tầu kinh tế của cả nước) tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,7% đã trở thành đề tài được bàn luận nhiều. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng chỉ ra rằng: Khó khăn lớn của nền kinh tế đó là sự sụt giảm của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu.

Thông tin từ Bình Dương, kết thúc quý I năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.200 người. Tuy nhiên, có hơn 36.300 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Tại Đồng Nai, do khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam muốn chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân. Cũng trong 3 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp - tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng hơn 13%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có hơn 20 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn TPHCM dự báo: lượng người mất việc, giảm việc sẽ nhiều hơn, từ đó kéo theo tác động phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Ngành bất động sản gặp khó khi thị trường đóng băng, tăng trưởng của ngành ngân hàng chật vật, trong khi đó, ngành du lịch chưa thể phục hồi được quy mô như trước dịch; sản xuất công nghiệp trên cả nước đều bị ảnh hưởng. Ngày 4/4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra tính toán: nếu Việt Nam muốn cán đích tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,5% năm 2023 thì phải “tiêu hết” 30 tỷ USD cho đầu tư công. Theo các chuyên gia, đây là mức kỷ lục khó có thể hoàn thành nhưng nếu nhìn vào thực trạng cả triệu lao động mất việc lúc này, thì đó có thể xem là cú hích từ nội lực (như lời một lãnh đạo TPHCM đã nói: “Chúng ta phải tập trung vào điều mình “có trong tay” như đi đầu trong đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Xác định những động lực tăng trưởng và thúc đẩy trong thời gian tới”.

Thực hiện động lực tăng trưởng qua đầu tư công sẽ là giải pháp góp phần đẩy lùi nỗi lo mất việc và thất nghiệp của hàng triệu lao động. Muốn như vậy các bộ, ngành, tỉnh thành nên cùng Chính phủ thúc đẩy giải pháp này đến càng nhanh càng tốt!

MỚI - NÓNG