Khai hội Chùa Tam Chúc

TPO - Ngày 2/2 (tức 12 tháng Giêng), tại Hà Nam, Ban Quản lý Chùa Tam Chúc khai hội Xuân Quý Mão năm 2023 với nhiều hoạt động như lễ rước nước, nghi thức cầu quốc thái dân an, múa rồng trên sông.
Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 1
Tiết mục nghệ thuật khai màn lễ hội Xuân Tam Chúc 2023. Ảnh: Như Ý.

Ngày 2/2 (tức 12 tháng Giêng), tại Hà Nam, Ban Quản lý Chùa Tam Chúc khai hội Xuân Quý Mão năm 2023.

Dự lễ khai hội có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tam Chúc, Trưởng ban tổ chức lễ hội, cùng đông đảo tín đồ phật tử, nhân dân.

Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 2

Đông đảo Phật tử, người dân tham gia lễ khai hội. Ảnh: Như Ý.

Xuân Quý Mão 2023 là lần thứ 5 Lễ hội chùa Tam Chúc được khôi phục tổ chức. Theo ban tổ chức, đây là lễ hội phục dựng lại câu chuyện cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản.

Chùa Tam Chúc thuộc quần thể Khu du lịch Tam Chúc có tổng diện tích 5.100 ha. Chùa được xây dựng với thế lưng tựa núi Thất Tinh, mặt hướng hồ Tam Chúc. Bao quanh chùa là những dãy núi đá vôi và rừng tự nhiên. Chùa Ngọc một trong những điểm tham quan chính. Một số điểm tham quan khác là điện Tam Thế, điện Giáo chủ, điện Quan Âm, chùa Ba Sao cùng quần thể vườn, các cột kinh.

Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 3

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu phát biểu diễn văn khai hội Xuân Tam Chúc. Ảnh: Như Ý.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết: ''Khôi phục Lễ hội chùa Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm là niềm mong muốn của nhân dân, tín đồ Phật tử địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá về hình ảnh các giá trị văn hóa quê hương, tạo điều kiện để nhân dân và Phật tử trong và ngoài nước đến với Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc''.

Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 4Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 5

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Tam Chúc và ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đánh trống, chuông khai hội. Ảnh: Như Ý.

Trong ngày khai hội diễn ra lễ rước nước, nghi thức cầu quốc thái dân an, múa rồng trên sông… cùng biểu diễn các hoạt cảnh sinh hoạt về di sản văn hóa dân gian Việt Nam, các tiết mục nghệ thuật.

Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 6Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 7Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 8Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 9
Tại lễ khai hội đã diễn ra nghi thức cầu quốc thái dân an. Ảnh: Như Ý.

Nghi thức rước nước - nghi thức tâm linh thể hiện lòng thành kính, tri ân chư Phật, thần, thánh, mẫu và nguyện mong mưa thuận gió hòa. Nước được rước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn Tế Trời, tọa lạc trên đỉnh ngọn Thất Tinh.

Để lên được chùa, du khách cần vượt qua gần 200 bậc thang làm bằng đá. Chùa Ngọc có ba bức tượng Phật được làm hoàn toàn từ đá granit nhập khẩu từ Ấn Độ cùng với một pho tượng Phật được làm bằng ngọc.

Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 10Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 11Khai hội Chùa Tam Chúc ảnh 12

Nghi thức rước nước tại lễ khai hội Xuân Tam Chúc 2023. Ảnh: Như Ý.

Năm nay, khu du lịch Tam Chúc có thêm phố cổ Tam Chúc mang đến điểm dừng chân mới cho du khách trong hành trình chiêm bái, thưởng ngoạn Tam Chúc. Tại đây có các hoạt động trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, các gian hàng đồ cổ, làng nghề cổ truyền.

Ban Quản lý khu du lịch Tam Chúc đã kết hợp với lực lượng chức năng huyện Kim Bảng (Hà Nam) lên phương án hướng dẫn, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông cho khách đến du xuân, đồng thời bố trí các thuyền và xe buýt để phục vụ du khách, tránh tình trạng ùn tắc, chia nhiều điểm tư vấn bán vé du lịch kết hợp việc thanh toán online, niêm yết công khai các loại phí, giá dịch vụ.