Khách quốc tế nêu kinh nghiệm để không bị 'chặt chém' khi du lịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trang Outlook Traveller nhận xét Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với di sản văn hóa phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp và nền ẩm thực đường phố sôi động. Tuy nhiên, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể gặp chiêu trò "chặt chém". 

Tạp chí này nêu ra 10 trường hợp có thể bị "chặt chém", "thổi giá" tại Việt Nam như bị chặt chém khi đi xích lô, mua đồ da giả, thuê xe máy giá cao, bị ép mua trái cây... hoặc nạn cướp giật.

Theo đó Outlook Traveller cho rằng để tránh bị "chặt chém" khi đi xích lô, du khách nên sử dụng loại phương tiện giao thông này khi di chuyển quãng đường ngắn và cần thương lượng giá cả trước khi lên xe.

"Ngoài ra, hãy sử dụng bản đồ hoặc GPS để theo dõi lộ trình và điểm đến của mình, đừng để tài xế đưa bạn đến bất kỳ cửa hàng hoặc điểm tham quan nào ngoài dự kiến", Outlook Traveller nêu.

Khách quốc tế nêu kinh nghiệm để không bị 'chặt chém' khi du lịch Việt Nam ảnh 1

Dịch vụ khám phá đường phố bằng xích lô thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Việt Nam được biết đến với các sản phẩm đồ da, đặc biệt là ở Hội An và TP.HCM. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng bán những món đồ giả da được làm bằng nhựa tổng hợp hoặc chất liệu kém chất lượng. Để tránh điều này, Outlook Traveller khuyên du khách kiểm tra sản phẩm cẩn thận trước khi mua và tìm các dấu hiệu về đường khâu, mùi da, kết cấu và màu sắc.

Du khách có thể bị lừa dù mua xe máy riêng, thuê xe tại cửa hàng hay đi xe ôm. Chính vì thế du khách phải luôn kiểm tra xe trước khi thuê hoặc mua, chụp ảnh mọi hư hỏng hiện có, khóa xe khi không sử dụng, đội mũ bảo hiểm và lái xe cẩn thận.

Khách quốc tế nêu kinh nghiệm để không bị 'chặt chém' khi du lịch Việt Nam ảnh 2

Outlook Traveller cảnh báo du khách có thể bị ép mua trái cây với giá cao.

TS. Đỗ Trần Phương - Phó Chủ nhiệm khoa Du Lịch, trường ĐH Văn hóa Hà Nội - đề xuất ngành du khách cần tự bảo vệ mình, hỏi giá trước khi mua. Nếu xảy ra tình trạng chặt chém, khách nên liên hệ ngay với những đường dây nóng để có sự hỗ trợ từ chính quyền.

"Cần có hệ thống giám sát, đảm bảo quyền lợi cho du khách. Trong trường hợp du khách đi theo tour, hướng dẫn viên cần nhắc nhở thành viên trong đoàn chú ý đến những hiện tượng trên", TS. Đỗ Trần Phương nói.

Outlook Traveller cho biết ở Việt Nam du khách có thể bị ép mua trái cây. Một số người bán hàng rong thân thiện thường mời ăn thử, tuy nhiên khi du khách chấp nhận, họ sẽ đòi một mức giá "cắt cổ" hoặc yêu cầu du khách trả tiền cho các dịch vụ như chụp ảnh hay xách hành lý cho khách.

Để thoát khỏi "kiếp nạn" này, du khách nên lịch sự từ chối bất kỳ lời chào mời nào từ những người bán hàng rong hoặc sự những người tiếp cận để giúp đỡ mà không được yêu cầu.

Outlook Traveller cũng cảnh báo về các nhà hàng, khách sạn hoặc công ty du lịch nổi tiếng, các hãng taxi có thể bị giả mạo. Du khách nên so sánh kỹ tên, địa chỉ chính xác của doanh nghiệp, dấu hiệu nhận biết của các hãng taxi với các bài đánh giá hoặc sách hướng dẫn du lịch trực tuyến trước khi đặt dịch vụ.

Tình trạng “chặt chém” du khách ảnh hưởng ít nhiều đến các công ty du lịch. “Du khách gặp vấn nạn chặt chém ảnh hưởng đến quyết định quay trở lại mua tour lần 2, hoặc giới thiệu cho bạn bè mua tour. Đây là vấn nạn không phải do công ty gây ra nhưng đã gây bức xúc cho du khách”, Phó Giám đốc cty du lịch Kỳ Quan Việt chia sẻ.

Bên cạnh đó, du khách có thể cảm thấy bối rối hoặc hiểu lầm khi được báo giá bằng đô la Mỹ thay vì tiền Việt Nam đồng.

Vì vậy du khách cần hỏi kỹ giá và đơn vị tiền tệ trước khi sử dụng dịch vụ và thanh toán, nên dùng các tờ tiền mệnh giá nhỏ để tránh nhận nhầm tiền trả lại hoặc nhận tiền giả.

Trang Outlook Traveller cũng khuyên du khách cẩn thận để không trở thành nạn nhân của những vụ giật đồ. "Du khách nên sử dụng một chiếc túi có móc cài hoặc dây đeo chắc chắn. Ngoài ra, nên cố gắng tránh ngồi hoặc đi quá gần đường, không nên cầm điện thoại và ví trên tay khi đi bộ trên đường để tránh bị cướp giật", Outlook Traveller nêu.

MỚI - NÓNG