Kể chuyện Bác Hồ phong tướng, đại biểu đề nghị quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí trong luật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) kể lại câu chuyện về phong tướng trong lịch sử.
Kể chuyện Bác Hồ phong tướng, đại biểu đề nghị quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí trong luật ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn). Ảnh: Như Ý

Theo ông Mạc, trong lịch sử nước ta, năm 1948, Bác Hồ phong hàm Đại tướng đầu tiên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đó Bác đã nói với Đại tướng rằng: Bác trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng quốc dân phó thác cho.

Sau đó, khi trả lời phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong hàm này, Bác đã trả lời một cách hóm hỉnh rằng “đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng, thắng Trung tướng thì phong Trung tướng và thắng Đại tướng thì phong Đại tướng".

“Có thể nói rằng ý nghĩa câu chuyện lịch sử này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và không chỉ có ý nghĩa đối với lực lượng quân đội nhân dân mà còn có ý nghĩa đối với lực lượng công an nhân dân”, ông Mạc bày tỏ.

Theo ông Mạc, một sĩ quan công an nhân dân đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu, lập được chiến công thì uy tín, sự ngưỡng mộ, sự trân trọng đối với sĩ quan công an nhân dân đó sẽ được đồng nghiệp, được nhân dân ghi nhận một cách tự nhiên. Khi đó, nếu đủ điều kiện được phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì nỗ lực, cống hiến đó sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời có thêm điều kiện để tiếp tục làm tròn sứ mạng của công an nhân dân.

Do vậy, theo đại biểu, chính sách về xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan công an nhân dân khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự là cần thiết và có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí thăng hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, công tác vào khoản 2 của dự thảo luật mà không giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Về việc bổ sung một số cấp phó có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, như dự thảo luật, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết, về cơ sở thực tiễn đối với việc bổ sung một số vị trí cấp phó có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Lý do, theo ông Mạc, tại tờ trình của Chính phủ và báo cáo tác động chính sách mới chỉ đề cập đến sự cần thiết của việc bổ sung hai vị trí là phó cục trưởng của hai đơn vị. Tuy nhiên, một số vị trí cấp phó như Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Tư lệnh và tương đương của một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an chưa được đề cập trong báo cáo này.

MỚI - NÓNG