Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương

0:00 / 0:00
0:00
Một góc cồn Dã Viên.
Một góc cồn Dã Viên.
TPO - Cồn Dã Viên - yếu tố phong thủy “hữu bạch hổ” quan trọng bậc nhất của Kinh thành Huế xưa vừa được chính quyền địa phương quy hoạch đầu tư để trở thành một vườn “Ngự uyển” như một thời.

Theo UBND TP Huế, phương án quy hoạch, đầu tư tại cồn Dã Viên ven sông Hương hiện được khẩn trương xúc tiến, với nhiều hạng mục, chức năng phục vụ du lịch, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Việc đầu tư này nằm trong đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương vừa được UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 1

Cồn Dã Viên từ lâu trở thành địa danh nổi tiếng, tên cồn còn được dùng để đặt cho tên cầu đường bộ, tên nhà máy nước.

Theo đó, tại cồn Dã Viên thuộc phía nam sông Hương sẽ hình thành công viên Thiên niên kỷ, với quy mô 10,5 hecta. Đây được xem như một vườn “Ngự uyển” trong Kinh thành xưa, tạo điểm đến hấp cho du khách, người dân.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 2

Nơi đây hiện còn một số dấu tích xưa, nơi từng là khu vườn Ngự dưới triều Nguyễn.

Theo đó, chính quyền thành phố sẽ cho xây dựng tại cồn Dã Viên hệ thống đường đi bộ, cầu đi bộ kết nối với cồn từ phía đường Bùi Thị Xuân, hình thành bãi cỏ, rừng cây nhiệt đới, quảng trường, đường dạo trên cao, các điểm ngắm cảnh ven sông, vườn. Khu công viên tại Dã Viên dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong quý 3 này.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 3

Xúc tiến chỉnh trang một phần không gian cồn Dã Viên.

Bên cạnh việc chỉnh trang cảnh quan, hệ thống cây xanh, đường dạo như hiện nay, việc nghiên cứu xây dựng một vườn “Ngự uyển” như dưới thời nhà Nguyễn tại cồn Dã Viên đang được xúc tiến, để triển khai trong thời gian tới. Khu vườn Ngự này nằm ở phía tây cồn Dã Viên, với kiến trúc cảnh quan được bố trí kiểu bậc thang, đăng đối như thường được sử dụng trong các lăng tẩm thời xưa và trong Đại nội Huế.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 4

Phục hồi hệ thống cây xanh cảnh quan bị mưa bão tàn phá vào cuối năm 2020.

Vườn “Ngự uyển" bao gồm hệ thống cây xanh gắn với các cụm dấu tích lịch sử trên cồn Dã Viên như: lầu Quan Phong, xạ trường, bến thuyền, bia đá Dữ Dã Viên, miếu thổ thần…

Tại khu vườn Ngự sẽ có các loại cây xanh tầm cao đặc trưng cảnh quan vườn Huế như ngô đồng, sưa, long não, nhạc ngựa… Bên cạnh đó sẽ có các cây bụi phù hợp vùng ngập nước như thạch xương bồ, thủy trúc, mai chỉ thiên, hoa lài ta, tre, trúc… ở khu vực sát bờ sông

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 5

Khi trở thành vườn "Ngự uyển", nhiều loài cây của 3 miền Bắc - Trung - Nam sẽ hội tụ về đây.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 6

Không gian Nhà máy nước Dã Viên với tháp nước xây dựng từ năm 1953 dự kiến sẽ là nơi diễn ra các hội nghị chuyên đề, sự kiện văn hóa, chính trị, nghệ thuật, không gian trưng bày sản phẩm du lịch, dịch vụ trị liệu bằng thuốc nam và sân biểu diễn nghệ thuật...

Nơi đây còn bố trí những loài cây me tây, sao đen, phượng vũ, giáng hương, kèn hồng đặc trưng cho không gian miền Nam và các loài cây có lá thay màu như hoa sữa, cơm nguội, bàng đặc trưng miền Bắc…

Theo các tài liệu văn hóa lịch sử, cồn Dã Viên có chiều dài khoảng 850m, nơi rộng nhất khoảng 185m, chếch về phía tây nam Kinh thành Huế. Khi xây dựng Kinh thành Huế, cồn Hến được chọn làm yếu tố phong thủy “tả thanh long”, cồn Dã Viên là “hữu bạch hổ”.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 7

Cồn Dã Viên có chiều dài khoảng 850m, nơi rộng nhất khoảng 185m, đây được xem là yếu tố phong thủy quan trọng “hữu bạch hổ” khi xây dựng Kinh thành Huế xưa.

Đó là hai hòn đảo tự nhiên nằm ở sông Hương (đoạn chảy qua TP Huế hiện nay), được các nhà kiến trúc quy hoạch hình tượng hoá thành “rồng chầu” và “hổ phục” để bảo vệ cho vương triều theo thuật phong thuỷ phương Đông.

Theo một số thư tịch xưa, vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) tại đây đã được tổ chức đấu trường giữa voi và hổ. Những trận thư hùng giữa voi và cọp về sau diễn ra ở Hổ Quyền, do vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1830.

Được biết, danh xưng Dã Viên xuất hiện vào thời Tự Đức (1848-1883). Theo tấm bia đá còn hiện hữu ở trên cồn Dã Viên thì khu vườn được thiết lập vào tháng 5 năm Tự Đức 21 (tháng 7/1868).

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 8

Cầu đường bộ Dã Viên bắc qua sông Hương và đi trên cồn Dã Viên.

Bài “Dữ Dã Viên ký” của vua Tự Đức viết khi đã hoàn thành việc xây dựng khu vườn Ngự tại đây (Quốc Sử quán triều Nguyễn khắc in trong bộ Ngự chế văn thi tập vào năm Tự Đức 29 - 1876, được ngự chế trong khoảng thời gian 1868-1876) đã miêu tả khá đầy đủ các nội dung liên quan đến vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, thiên nhiên, cuộc sống của người dân trước và sau khi được di dời, giải toả để lấy đất xây dựng Dữ Dã Viên cũng như khảo tả các công trình kiến trúc, các sinh hoạt, vui thú, nghỉ ngơi của nhà vua ở khu vườn Ngự uyển này.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 9

Nơi đây có cầu đường sắt chạy qua mang tên Bạch Hổ.

Ngày nay, cồn Dã Viên là một vùng cây xanh cùng với sự tồn tại của Nhà máy nước Dã Viên (tháp nước xây dựng từ năm 1953) và có một số nhà dân. Bắc qua cồn Dã Viên và sông Hương hiện có hai cây cầu đường bộ và đường sắt mang tên Dã Viên và Bạch Hổ.

Huế sắp có vườn ‘Ngự uyển’ ven sông Hương ảnh 10

15 năm trước, nơi đây từng bị nhăm nhe biến thành khu du lịch cao tầng bê tông cốt thép. Ý định này vấp phải phản ứng của dư luận, người dân nên không thành hiện thực.

Cách đây 15 năm, cồn Dã Viên đã được nhà đầu tư nhắm tới xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp; với phức hợp công trình có chiều cao 3 tầng tiêu chuẩn 5 sao, khu hội nghị quốc tế cao 2 tầng… Tuy nhiên, hướng đầu tư này vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận, giới chức nên buộc phải dừng.

Hiện, chính quyền địa phương hướng đến quy hoạch, đầu tư, chỉnh trang, phát huy giá trị cồn Dã Viên một cách phù hợp, hài hòa với quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đã được UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.