Hơi thở Tây Nguyên trong tranh chàng trai Êđê

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hình ảnh buôn làng dân tộc bản địa Tây Nguyên được “gói” trong tranh họa sĩ trẻ Êđê Y Buih Niê Kđăm. Sắc màu Tây Nguyên tạo nên nét riêng trong tất cả tác phẩm của anh. Ngoài thể hiện không gian sống, sinh hoạt buôn làng, Y Buih truyền tải thông điệp bảo tồn văn hóa dân tộc vào tranh.

Hồn riêng

Cuối đường Trần Nhật Duật, có một phòng tranh nhỏ tại buôn Ako Dhông, buôn cổ người Êđê trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), ở đó người họa sĩ trẻ Êđê ngày đêm nỗ lực vẽ câu chuyện buôn làng bằng đam mê, với phong cách riêng dù tuổi đời còn trẻ. Nét vẽ thể hiện bằng mảng màu và đường nét đầy xúc cảm, khiến người xem lắng đọng về cuộc sống nơi núi rừng Tây Nguyên.

Hơi thở Tây Nguyên trong tranh chàng trai Êđê ảnh 1

Tác phẩm “Ngủ ngoan Akay ơi” trưng bày tại ngôi nhà chóe Đắk Lắk

Y Buih Niê Kđăm (SN 1997) có tình yêu với hội họa từ bé. Sinh ra và lớn lên ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), khi cái nghèo vẫn còn đeo bám cuộc sống. Những đứa trẻ như Buih mỗi ngày theo bố mẹ lên rẫy. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh ước mơ trở thành họa sĩ. Mọi người cho rằng ước mơ đó là điều viển vông. Niềm đam mê với hội họa lớn dần theo năm tháng.

Tốt nghiệp 12, Y Buih chọn thi vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh, khoa sư phạm Mỹ thuật để theo đuổi đam mê. Những ngày học tập tại giảng đường, được bạn bè thầy cô động viên tinh thần, mở ra cơ hội cho anh cọ xát và tìm hiểu chuyên môn. Năm 2018 tốt nghiệp ra trường, xác định rất khó để xin đi dạy, anh chọn nghiệp vẽ để đam mê không bị gián đoạn. Chính văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Êđê đi sâu vào tâm thức, thúc đẩy Y Buih lựa chọn đề tài sinh hoạt buôn làng Tây Nguyên cho những sáng tác của mình.

Tác phẩm “Góc bếp” là hình ảnh quen thuộc, gắn bó từ ấu thơ về bếp lửa trong nhà dài được anh đưa vào tranh bằng gam màu vàng ấm. Người xem biết thêm về một Tây Nguyên thật dung dị, gần gũi, và không kém phần bí ẩn. Tác phẩm này, họa sĩ Y Buih được nhận giấy chứng nhận của hội mỹ thuật Việt Nam, khi dự triển lãm mỹ thuật Miền Trung Tây Nguyên năm 2018. Hiện Y Buih là hội viên của Hội mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk.

5 năm qua với hơn 100 tác phẩm về buôn làng Tây Nguyên được các nhà sưu tầm mua hết. Chính sắc màu truyền thống đã tạo nên chất riêng, thành phong cách của chàng họa sĩ trẻ trong từng tác phẩm.

Y Buih cho biết, khách hàng chủ yếu là các nhà sưu tầm, yêu tranh ở Hà Nội, TPHCM, Đắk Lắk và một số tỉnh thành khác yêu khung cảnh sinh hoạt của người dân tộc nơi đây. Một phần, họ thích cách anh thể hiện độc lạ, toát được nét đặc trưng riêng về Tây Nguyên, nên họ sưu tầm.

Đề tài của anh là những góc nhỏ cuộc sống diễn ra nơi buôn làng. Bằng cách nhấn mạnh vào chi tiết, tăng cảm giác về chiều sâu. Bằng bút pháp tả thực, họa sĩ Y Buih đặc tả hai mẹ con dân tộc Êđê với nét đẹp hồn hậu trên gam màu trầm sáng, khiến tác phẩm “Ngủ ngoan Akay ơi” ẩn chứa nhiều điều sâu thẳm. Tuổi xuân của mẹ còn dài nhưng lấy chồng sớm, bao ước mơ dang dở chưa thực hiện, phải dành trọn gửi gắm vào con.

Bức tranh toát lên tình mẫu tử thiêng liêng và những trăn trở, hối tiếc của người phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên phải kết hôn quá sớm vì phong tục và cuộc sống. Vấn nạn tảo hôn hiện vẫn còn rất nhức nhối ở các buôn làng vùng sâu xa. Tác phẩm được Y Buih vẽ trong thời gian 3 tháng. Ý tưởng này anh ấp ủ từ lâu, dồn nén thể hiện để dự triển lãm, nhưng chưa kịp thì nhà sưu tầm Võ Minh Luân ngỏ ý mua về trưng bày tại Ngôi nhà chóe ở Buôn Ma Thuột nên anh để lại.

Hơi thở Tây Nguyên trong tranh chàng trai Êđê ảnh 2

Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm vẽ trực họa

Họa sĩ Y Buih chọn chất liệu sơn dầu và sử dụng gam màu nóng, anh nói rằng, nó thể hiện được không khí, những biến hóa đa hình, thầm kín một vùng đất nơi anh sống. Lột tả được khung cảnh Tây Nguyên khác biệt, từ khí hậu, hoàng hôn cho đến tinh thần mạnh mẽ, hào sảng của con người nơi đây. “Mỗi dòng có mạch riêng. Tôi chọn chất liệu sơn dầu là chính, toát được hồn của tranh, chuyển tải được thông điệp của mình, thể hiện được nội tâm nhiều cảm xúc”, Y Buih nói.

Níu giữ

Trong tâm thức của chàng họa sĩ trẻ, Tây Nguyên là vùng đất huyền bí, hiện lên với những đặc trưng nổi bật và riêng biệt là những đại ngàn xanh mênh mông, những ngôi nhà sàn dài như một tiếng chiêng ngân, những đêm cồng chiêng vang dội bên bếp lửa bập bùng thơm hương nồng của ché rượu cần, vườn cà phê bạt ngàn ở vùng đất đỏ bazan, bến nước chảy róc rách hòa cùng tiếng chim ríu rít…

Lấy cảm hứng từ góc nhìn và trải nghiệm bản thân, khi chứng kiến rừng dần bị cạo trọc, anh đặt chính suy nghĩ và nội tâm vào trong tác phẩm tạo cho người xem phải suy ngẫm về văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa bao đời gắn với rừng. Rừng là nhà, là đất mẹ bảo vệ, che chở cho buôn làng. Nhưng hình ảnh 2 mẹ con chú voi trơ trọi giữa cánh rừng chỉ còn lại gốc cây. Ánh mắt voi mẹ đau đáu trước không gian sống bị thu hẹp, thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Hoang tàn”. Tác phẩm này tôi vẽ trong vòng 1 tháng, sau đó được nhà sưu tầm người Việt sinh sống, định cư ở Châu Âu mua. Mỗi lần vẽ xong, tôi thường đăng vào các nhóm giao lưu tranh trên mạng, các nhà sưu tầm thấy ưng ý bức nào sẽ liên hệ”, Y Buih cho biết.

Chàng họa sĩ trẻ có một phong cách riêng qua lối kể mộc mạc, giản dị đủ để những ánh mắt yêu nghệ thuật chạm đến. Anh đi khắp buôn làng, bắt gặp khung cảnh sự vật lấy máy chụp hoặc vẽ trực họa làm tư liệu. Y Buih vẽ lại theo quan sát của mình, không đơn thuần sao chép những gì đã thấy. Qua tranh anh đưa ra cảm xúc, quan điểm của bản thân. Một không gian đậm chất Tây Nguyên được mở ra khi nhìn vào tác phẩm “Nhịp chiêng Tây Nguyên”.

Dưới mái nhà rông người dân buôn làng tấu chiêng rộn rã, múa, nhảy xung quang ché rượu cần. Bức này anh như muốn ôm cả không gian Tây Nguyên vào tranh để rồi thổn thức trong vô vàn xúc cảm vừa trân quý vừa đau đáu vùng đất đã nuôi dưỡng dân tộc mình. Tác phẩm được Y Buih vẽ trong lần đi Kon Tum vào mùa lễ hội. Nơi đây vẫn còn giữ không gian diễn tấu chiêng nhưng quê hương Đắk Lắk đã mất không gian này.

Tâm tưởng của chàng họa sĩ trẻ gần như đã chạm vào được hơi thở của buôn làng, núi rừng Tây Nguyên. Tác phẩm “Gốc cây cuối cùng” hiện ra cho người xem là một chiếc gùi để cạnh gốc cây trơ trọi. Quả bầu đựng nước rỉ ra một giọt cuối cùng. Trên nền đất khô khốc một mầm cây đang nhú. Trong sự khắc nghiệt ấy vẫn lóe lên một chút hy vọng mong manh.

Người họa sĩ ấy thổi hồn vào tranh cho người xem nhiều suy ngẫm, day dứt đau đáu về vùng đất hoang sơ huyền bí.

“Qua những bức tranh, tôi muốn thế hệ trẻ biết được văn hóa truyền thống dân tộc của ông bà xưa đã để lại. Qua đó, mỗi người ý thức bảo vệ môi trường sống, không gian sống xung quanh ta”.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.