Chư Đăng Ya cách trung tâm thành phố Pleiku, Gia Lai chừng 20km. Trước khi đến được chân núi lửa phải đi qua hồ T’nưng được ví như “đôi mắt” của Pleiku, rồi qua bạt ngàn đồi chè trăm tuổi, chùa Bửu Minh uy nghi, sự hùng vỹ của ngọn núi Chư Nâm bên dưới tỏa đẫm hương lúa thân thuộc.
Mùa này, vùng núi lửa Chư Đăng Ya có vẻ đẹp hoang dại, trong lành bởi cây cỏ xanh mướt. Bên dưới Giáo đường H’Bầu được xây dựng từ năm 1909 dù chỉ còn là phế tích nhưng vẫn toát lên sự uy nghi cùng nỗi bâng khuâng, tiếc nuối cho một kiến trúc đẹp. Giáo đường là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc của Pháp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của Tây Nguyên.
Đã hơn 100 năm, trải qua chiến tranh, nắng gió, quanh giáo đường chỉ còn mặt trước và tháp chuông, các mặt của mảng tường cũ bị găm dày đặc vết đạn to nhỏ. Nơi đây mỗi ngày đều được người dân quanh vùng quét dọn sạch sẽ, trồng các loại hoa.
Được biết, gạch làm giáo đường do giáo dân kỳ công cõng bộ theo đường rừng từ huyện Tây Sơn (Bình Định) ngày đó. Bởi thế, dù qua hơn một thế kỷ nhưng mặt trước vẫn còn tấm bia ghi dòng chữ “Kỷ Dậu niên” mờ nhạt, đây cũng là lúc giáo đường này được xây dựng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya chia sẻ, chính quyền đang có chủ trương nhờ các đơn vị chuyên môn hướng dẫn làm các thủ tục để bảo vệ di tích Giáo đường H’Bầu. Theo vị này, hiện người dân theo đạo Thiên Chúa ở làng Xóa (xã Chư Đăng Ya) đang bảo vệ, quản lý Giáo đường này.