Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, những người thợ làng nghề Bát Tràng lại tất bật sản xuất mẫu hổ gốm với nhiều đường nét tỉ mỉ, công phu để mang ra thị trường phục vụ người dân đi mua sắm.

Tại cửa hàng Không gian gốm Bát Tràng, (Lô A2, khu sản xuất làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), hơn chục nhân viên đang tất bật làm việc để kịp đơn hàng dịp Tết. Anh Lê Minh Ngọc, nhân viên phụ trách công tác truyền thông của công ty cho biết: “Để phục vụ dịp Tết Nhâm Dần, cửa hàng đặc biệt sản xuất ba mặt hàng: tượng Mãnh Hổ Thượng Sơn có giá niêm yết là 1.800.000 đồng, bình hút tài lộc Mãnh Hổ Thượng Sơn được bán ra thị trường với giá 3.250.000 đồng, hổ đất dùng để đựng tiền tiết kiệm có giá 180.000 đồng/con.”

Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng ảnh 1

Bình hút tài lộc Mãnh Hổ Thượng Sơn được bán ra thị trường với giá 3.250.000 đồng

Chia sẻ về cảm hứng tạo hình hổ lên tượng, bình hút tài lộc, Giám đốc cơ sở chia sẻ: “Tích Mãnh Hổ Thượng Sơn khắc họa hình tượng vị chúa sơn lâm gầm vang trên đỉnh núi cao với sắc thái ung dung tự tại cùng cảnh Tùng Hạc thanh bình thể hiện sức mạnh quyền uy, độc lập chủ quyền trong cảnh thái bình thịnh trị. Hình ảnh mãnh hổ trên đỉnh núi cao còn biểu thị sự tinh tiến trong trí tuệ và tâm thức, thăng tiến trong sự nghiệp và công danh”.

Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng ảnh 2

Trước khi được trưng bày, giao bán, sản phẩm phải trải qua quá trình sản xuất kì công. Công đoạn chế tác gồm nhiều khâu, yêu cầu người thợ phải có kĩ năng cao, tỉ mỉ với từng chi tiết ngay từ khâu tạo hình, làm khuôn, phủ men, chế tác vàng và phải nung nhiều lần để sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất, bám màu lâu.

Ngoài ra, tạo hình hổ đất thành các mẫu hình nhỏ nhắn, đáng yêu, giá thành rẻ đã giúp cơ sở tăng doanh thu trong dịp Tết Nhâm dần. Vì giá thành rẻ nên sản phẩm được nhiều phụ huynh tìm mua cho con nhỏ. Hổ đất nhanh chóng trở thành sản phẩm được ưa chuộng và bán chạy nhất cửa hàng.

Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng ảnh 3

Mẫu hổ đất, bước lên ý tưởng sẽ mất nhiều thời gian nhất. Anh Ngọc chia sẻ: “Ban đầu mình mất thời gian vẽ tạo hình nhưng khi đã sản xuất được các mẫu đầu tiên thì việc sản xuất hàng loạt sẽ trở nên dễ dàng. Thường 3 ngày sẽ cho ra một lò lớn, mỗi lò chứa 200-300 con.”

Ngoài các sản phẩm tạo hình con hổ, cơ sở sản xuất cũng nhận làm các mặt hàng khác như khay mứt, bát đĩa để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp đặt làm quà Tết cho công, nhân viên. Số lượng khay mứt bán ra lên tới hơn 10.000 sản phẩm. Đây là thời điểm để "gỡ gạc" lỗ hổng kinh tế trong suốt 3 tháng dài đóng cửa vì dịch bệnh.

Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng ảnh 4

Anh Tuấn Anh (26 tuổi, thợ làm nghề 3 năm) chia sẻ:“Khi thao tác, người thợ chú ý nét vẽ bằng vàng phải căng, không bị nhòe thì khi nung xong, sản phẩm sẽ bóng và rõ đường vàng trên con hổ”

Anh Ngọc cho biết: “Trong đợt dịch vừa rồi, cửa hàng gặp không ít khó khăn. Chuỗi cung ứng nguyên liệu của cửa hàng bị gián đoạn. Theo chỉ thị 16, công nhân nghỉ làm để tuân thủ giãn cách xã hội nên xưởng phải dừng hoạt động. Ngoài ra, thời gian này hàng năm là giai đoạn làm hàng cho Tết bán. Vì vậy, tới gần Tết xảy ra tình trạng khan hàng.”.

Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng ảnh 5

Mẫu hổ đất được biến tấu phần thân trên để tạo khoảng trống trồng cây mini, sản phẩm này có tên là mẫu hổ bon sai tiểu cảnh

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng hàng hóa tiêu thụ chậm, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn, lượng khách đến thăm quan du lịch mua sắm tại xã giảm nhiều.

Hổ đất 'cháy hàng' tại làng gốm Bát Tràng ảnh 6

Trung bình, 3 ngày mỗi lò lớn sẽ cho ra lò 200 - 300 con hổ gốm, những mặt hàng này nhanh chóng được tiêu thụ. Đa số các cửa hàng đã không còn hàng để bán.

MỚI - NÓNG