Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trên địa bàn nhiều quận, huyện của Hà Nội nhiều khu nhà trọ, nhà cho thuê xập xệ xuống cấp, nằm trong các con ngõ, hẻm nhỏ, thậm chí có những nhà trọ “mọc dày đặc” trên đất quy hoạch dự án xây không phép tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ

Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ cháy làm 3 người tử vong tại ngôi nhà trọ ở số 79A ngõ 18 Định Công Thượng (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra tối 3/1. Theo cơ quan công an, nguyên nhân vụ việc được xác định là do hở bình gas.

Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 1

Vụ cháy tại ngôi nhà trọ ở số 79A ngõ 18 Định Công Thượng (Định Công, Hoàng Mai) khiến 3 người tử vong.

Vụ cháy nhà trọ đã dấy lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu nhà trọ tạm, nhà trọ giá rẻ đang tồn tại giữa trung tâm thành phố. Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn Thủ đô đang tồn tại rất nhiều khu nhà trọ, nhà tạm tại các quận như: Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân....

Đặc biệt, tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) nơi vừa xảy ra vụ cháy nhà trọ khiến 3 người tử vong, PV ghi nhận trên địa bàn phường này có hàng loạt khu nhà trọ tạm, xập xệ và xuống cấp nghiêm trọng. Đây là nơi ở, sinh hoạt của những người lao động ngoại tỉnh, đi kèm với mức thuê giá rẻ là nguy cơ cao về mất an toàn phòng cháy, chữa cháy luôn rình rập.

Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 2
Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 3

Những khu nhà trọ nằm trong các con ngõ, hẻm nhỏ với các căn nhà cấp 4 đã xây dựng lâu năm xập xệ không đủ tiêu chuẩn PCCC.

Điểm chung của những khu nhà trọ này là nằm trong các con ngõ, hẻm nhỏ với những dãy nhà cấp 4 đã xây dựng lâu năm, nhiều căn phòng trọ nhỏ hẹp liền kề nhau, mỗi phòng chỉ có diện tích khoảng 10– 12m2 nhưng có đến cả chục người thuê, chủ yếu làm nghề lao động tự do, làm công nhân, thợ hồ...

Thậm chí, nhiều khu nhà trọ được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch dự án Mở rộng phía Bắc và Tây Bắc khu đô thị Đại Kim – Định Công tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như tại các ngõ phố Trần Hòa, Định Công Hạ, Định Công Thượng...

Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 4
Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 5
Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 6

Nhiều khu nhà trọ được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch dự án chưa bàn giao mặt bằng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC cao.

Anh Công, quê Ninh Bình cho biết: “Tôi lên Hà Nội làm nghề xây dựng theo thời vụ. Để tiết kiệm, 8 anh em thuê chung một phòng để ở và nấu ăn, sinh hoạt. Chúng tôi thuê trọ không thấy chủ nhà trọ trang bị bình chữa cháy. Biết là ở những khu trọ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đành chấp nhận thôi, vì chúng tôi đều là người lao động làm chỉ đủ ăn với gửi về quê cho gia đình. Nếu chọn ở những khu trọ khang trang, đầy đủ thiết bị PCCC sẽ chịu giá thuê phòng đắt hơn”.

Cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho nhà trọ?

Nhìn nhận về mối lo ngại mất an toàn PCCC tại các khu nhà trọ cho thuê, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, những khu nhà trọ thường tập trung trong các con ngõ, ngách nên đường rất bé, chỉ rộng từ 1-1,5m không đủ để xe cứu hỏa vào chữa cháy khi có sự cố cháy nổ. Hơn nữa, cấu trúc nhà trọ xây san sát nhau, không có lối thoát hiểm… hạn chế cứu hộ cứu nạn.

“Bên cạnh đó, người thuê trọ dùng gas nấu nướng bên trong rất nguy hiểm, cùng với đó là hệ thống đường dây điện khu trọ chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC rất cao”, KTS Phạm Thanh Tùng lo ngại.

Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 7
Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ ‘mọc' trên đất quy hoạch ở Hà Nội ảnh 8

KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị, đã đến lúc cần phải rà soát lại tất cả, xác định khu vực nào được kinh doanh nhà trọ, cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà trọ...

Cũng theo ông Tùng, hiện quy hoạch chúng ta bất cập vì chỉ tập trung phát triển lõi, mặt phố còn các khu ngõ ngách chưa được quan tâm. “Về lâu dài, thành phố Hà Nội nên quy hoạch lại những khu vực trên. Mở những con đường rộng ít nhất 3-3,5m để cho xe cứu hỏa vào được, thành ô vuông,… để tạo sự bền vững cho phát triển đô thị”, KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị.

Cũng theo ông Tùng, kinh doanh nhà trọ phải đảm bảo an toàn cháy nổ, trang bị bình cứu hỏa, chủ trọ hướng dẫn người thuê cho biết cách xử lý bình cứu hỏa. Đồng thời, rất cần công tác quản lý của Nhà nước, phải thường xuyên kiểm tra và giám sát.

“Đã đến lúc cần phải rà soát lại tất cả, xác định khu vực nào được kinh doanh nhà trọ, Bộ Xây dựng cần có quy định rõ ràng về việc này. Không phải ai cũng cho thuê nhà trọ được. Nếu không đảm bảo không cho phép thuê nhà trọ. Nhà nước cần xem lại những quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà trọ. Nếu làm được việc này, sẽ hạn chế được rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra”, ông Tùng nói.

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), tình hình cháy, nổ tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, năm 2021 xảy ra 768 vụ cháy nhà ở riêng lẻ; nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra 177 vụ; kho, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh khác xảy ra 415 vụ…

Do đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo, đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; nên trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy…và biết cách sử dụng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết.

Đồng thời, cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Ngoài ra, đối với các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, UBND địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy.

MỚI - NÓNG