Hậu duệ trẻ trên đảo tiền tiêu

TP - Trẻ, xinh đẹp, giọng nói truyền cảm như cuốn du khách trong và ngoài nước, cô có thể nói về Hoàng Sa suốt ngày, cả tháng, cả năm không biết chán. Sôi nổi, trẻ trung và nhiệt huyết, ít ai ngờ chàng trai chính là nút thắt, để mở ra một câu chuyện ồn ào về tờ sắc lệnh dòng tộc họ Đặng mấy năm trước.

Trẻ, xinh đẹp, giọng nói truyền cảm như cuốn du khách trong và ngoài nước, cô có thể nói về Hoàng Sa suốt ngày, cả tháng, cả năm không biết chán. Đó là Đặng Thị Hiền, hướng dẫn viên ở bảo tàng Hoàng Sa - Bắc Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Sôi nổi, trẻ trung và nhiệt huyết, ít ai ngờ chàng trai Đặng Tấn Thành chính là nút thắt, để mở ra một câu chuyện ồn ào về tờ sắc lệnh dòng tộc họ Đặng mấy năm trước. Cả hai người trẻ đều là con cháu họ Đặng - dòng họ hào hùng ở đảo Lý Sơn, có đà công Đặng Văn Siểm, người từng bảo vệ Hoàng Sa hơn 400 năm trước.

Cơ duyên với sắc lệnh Hoàng Sa

Một trong những vật chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam chính là tờ sắc lệnh vua Minh Mạng phái binh phu ra bảo vệ và săn tìm sản vật ở Hoàng Sa vào năm 1834. Câu chuyện về việc phát hiện ra tờ sắc lệnh cơ mật này còn tồn tại trên đảo Lý Sơn được nhiều người thêu dệt như một chuyện ly kỳ. Tuy nhiên, người hiểu rõ nhất là anh Đặng Tấn Thành, hiện là Bí thư Huyện Đoàn huyện đảo Lý Sơn. Anh là hậu duệ đời thứ 15 của đà công Đặng Văn Siểm, một trong những người chỉ huy đội “tiểu điếu thuyền” ra Hoàng Sa mấy trăm năm trước.

Hậu duệ trẻ trên đảo tiền tiêu ảnh 1

Anh Đặng Tấn Thành.

Trên báo Tiền Phong số Xuân đặc biệt năm 2014, chúng tôi đã giới thiệu cho bạn đọc về một bí mật mà 14 năm cụ Dương Quỳnh, một ông đồ già thông tuệ trên đảo chôn giấu. Cụ Quỳnh chính là người đầu tiên dịch tờ sắc lệnh của tộc họ Đặng chứ không phải ông Võ Hiển Đạt như nhiều báo chí, nhiều người nhầm lẫn.

Năm 2014, trong lần tới viếng thăm cụ Dương Quỳnh trên đảo, được cụ kể cho nghe về cơ duyên dịch tờ sắc lệnh. Đó là lần vào năm làm kinh tế mới, tình cờ được chơi với ông Đặng Tôn, cũng người Lý Sơn vào Đồng Nai. Biết cụ Quỳnh thông hiểu Hán văn, sau này khi cùng trở về đảo, ông Đặng Tôn mới nhờ cụ Quỳnh dịch tờ lệnh. Câu chuyện trên hoàn toàn trùng khớp với những gì mà ông Đặng Lên cũng như anh Đặng Tấn Thành kể cho chúng tôi.

Tuy nhiên, có một nỗi niềm mà anh Thành ít khi tỏ cùng ai. Ấy là thân phận của tờ sắc lệnh. Anh Thành hiện chính là tộc trưởng tộc họ Đặng. Cũng bởi thế nên mấy chục năm trước, những gì được xem là gia bảo của dòng tộc đều phải để ở nhà trưởng tộc, tức ông Đặng Tôn. “Tôi không thông hiểu Hán văn, nhưng những gì mà lịch sử để lại, tôi tự cảm nhận được, trong thùng gỗ của gia tộc chứa một điều gì đó bí mật lớn lao”.

Cũng bởi tự cảm được, anh Thành luôn ra sức gìn giữ, tuyệt đối không cho ai động vào đồ đạc quý trong nhà. Và cùng với cha mình là ông Đặng Tôn, anh Thành nhất quyết không bán các tờ sắc lệnh cho một số người lạ đến đảo Lý Sơn, tự xưng là “người nhà nước” từ mấy chục năm trước để mua hoặc thu gom.

Tháng 3/1979, một số người tự xưng nhà nước lên đảo Lý Sơn, mua và thu gom hết các tài liệu, gia phả, tờ lệnh của 13 tộc họ trên đảo. Tuy nhiên, tộc họ Đặng, mà với 2 người gồm anh em Đặn Tôn - Đặng Lên nhất quyết gìn giữ. Tiếp tục sau này, anh Đặng Thành, tộc trưởng là người toàn quyền quyết định, chịu trách nhiệm về chiếc hộp. Anh cũng thực hiện ý nguyện của ông cố nội Đặng Văn Ngạc khi xưa: Muốn mở hộp phải có đủ chức sắc trong tộc cùng chứng kiến. Nhờ thế mà sau này, cả đảo Lý Sơn vẫn còn có duy nhất 1 tờ lệnh, bây giờ được xem là bảo vật quốc gia.

Năm 1999, anh Thành cùng cha mình quyết định mở hộp, nhờ cụ Dương Quỳnh dịch tờ sắc lệnh và để rồi 10 năm sau, cũng chính anh Thành quyết định trao tặng cho nhà nước. Năm 2009, đích thân tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi ra nhận và đem về đất liền.

Anh Đặng Tấn Thành kể, từ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đến nay, anh không còn nhớ đã tiếp bao nhiêu đoàn công tác, từ sinh viên học sinh đến các hội đoàn thể ra Lý Sơn. Đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất đời vì anh được sống trong không khí hào hùng của dân tộc. “Bất kỳ ai sôi sục lửa nhiệt huyết đòi lại, bảo vệ và gìn giữ Hoàng Sa khi ở trên đảo Lý Sơn”.

Hậu duệ trẻ trên đảo tiền tiêu ảnh 2 Chị Hiền đang nói về Hoàng Sa.

Tự hào vì được nói về Hoàng Sa

Cũng là hậu duệ thứ đời thứ 15 của đà công Đặng Văn Siểm, Đặng Thị Hiền truyền lửa Hoàng Sa bằng một cách khác: Nguyện cả đời nói về Hoàng Sa.    

Tốt nghiệp ngành nghiệp vụ du lịch ở TPHCM 6 năm trước, Hiền trở về đảo Lý Sơn đúng dịp nhà bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đang gấp rút hoàn thành. Cô xin vào làm ở phòng Văn hóa thông tin huyện, với mục đích để làm hướng dẫn viên ở nhà bảo tàng. “Làm ở đó, em được nói về Hoàng Sa, được nói về những công tích và hy sinh của cha ông mình ở Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước"- Hiền tâm sự. 

“Các đoàn du khách nước ngoài ra Lý Sơn thường có thông dịch viên. Tuy nhiên, khi em nói về Hoàng Sa, về chủ quyền biển đảo, về lịch sử của cha ông để lại thường bị dịch thiếu chữ. Mong sao các thông dịch viên dịch cho du khách nước ngoài cần tìm hiểu nhiều hơn về Hoàng Sa, Trường Sa”.

Hướng dẫn viên Đặng Thị Hiền

Ban đầu, nhà bảo tàng chỉ mới có tài sản quý là tờ sắc lệnh của dòng tộc họ Đặng và mấy hình thuyền nhân mô phỏng cùng một số tài liệu khác. Vì thế, công việc hướng dẫn chưa gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau này, thêm nhiều tờ bản đồ, thêm nhiều tài liệu quý… khiến cô càng phải dày công tìm hiểu, đọc sách, nghiên cứu văn hóa lịch sử Hoàng Sa, Lý Sơn… để giới thiệu Hoàng Sa cho du khách trong và ngoài nước. Đã nhiều lần ra Lý Sơn, nhiều lần tôi đi cùng đoàn hoặc đi lẻ, nhiều lần nghe Hiền thuyết minh giới thiệu và tôi nhận ra một điều rất đặc biệt, lần sau bao giờ cũng khác lần trước. 

“Thời gian đầu, em tự soạn ra một bản thuyết trình, đọc kỹ, nghiên cứu kỹ và sắp xếp logic. Xong rồi cứ thế mà dẫn khách đi và giới thiệu. Tuy nhiên, càng ngày càng nhiều người hỏi những câu hỏi khó, bắt buộc mình phải tìm hiểu kỹ. Vì thế, hiện nay ngoài phần giới thiệu cơ bản, em luôn cố gắng giải đáp và đưa ra những cái mới để du khách hiểu thêm. Tất nhiên, mọi lời giới thiệu, giải đáp năm trong khuôn khổ tài liệu và luôn tránh chủ đề nhạy cảm”.

Đến bây giờ, những gì liên quan đến Hoàng Sa, sau 5 năm say sưa “truyền lửa”, Hiền thuộc như trong lòng bàn tay. “Đôi lúc em không coi mình là hướng dẫn viên, mà giống như người được truyền đạt lịch sử về Hoàng Sa, nhất là cho các em học sinh. Giờ đây cứ mong mỗi ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Lý Sơn, đến với nhà trưng bày Hoàng Sa để em được tự hào nói về Hoàng Sa”.

Nói về Hoàng Sa, theo Hiền khó nhất là thuyết minh cho du khách Nhật, Hàn Quốc và Mỹ. Họ luôn hỏi những câu khó và quá “nhạy cảm” không thuộc quyền hạn trả lời của một hướng dẫn viên. Tuy nhiên, du khách Nhật, Hàn Quốc và Mỹ lại luôn ủng hộ mình trong cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa. Nhiều người rất bức xúc trước việc ngang nhiên chiếm đóng của Trung Quốc ở Hoàng Sa.

Theo Hiền, trước thời điểm giàn khoan Hải Dương 981 thỉnh thoảng có du khách Trung Quốc, nhưng sau này thì tuyệt nhiên không có. “Trước đây, du khách Trung Quốc thường là những người săm soi kỹ nhất. Họ chỉ nghiên cứu chứ không bao giờ đặt ra câu hỏi gì”.

MỚI - NÓNG