Hành trình đi tìm thượng đế

0:00 / 0:00
0:00
Poster bộ phim đoạt giải Oscar “Cuộc đời của Pi”
Poster bộ phim đoạt giải Oscar “Cuộc đời của Pi”
TP - Cậu bé Piscine Militor Patel sinh ra trong gia đình êm ấm. Bên cạnh vườn thú của gia đình, có lẽ chỉ hai thứ trên đời này làm cậu bận tâm: một là làm sao để đám bạn trong trường không nhạo báng cái tên của cậu, hai là đi tìm mục đích sống.

Trong suy nghĩ non nớt của Pi, một người có thể có nhiều quốc tịch thì sao lại không thể theo nhiều tôn giáo? Pi vừa tôn thờ các vị thần Hindu vừa tôn thờ đức Chúa cứu thế Jesus và vừa cầu nguyện thánh Allah của đạo Hồi.

Mỗi khoảnh khắc Pi bước vào một ngôi đền thờ linh thiêng đều được tác giả vẽ ra thật đẹp. Khi ở trong một ngôi đền Hồi giáo “tim tôi vẫn thót lại mỗi khi tôi bắt gặp dấu hiệu hiện diện của Thượng đế trong nội cung thiêng liêng của một ngôi đền... hai tay tôi tự nhiên tìm đến nhau trong tư thế cầu nguyện thành tín”. Những tưởng trọn đời trọn kiếp này, Pi sẽ chỉ dành tình yêu, tín ngưỡng duy nhất cho đạo Hindu thì cậu lại “gặp Jesus Christ”.

Pi đến với Cơ đốc giáo vội vàng, sôi sục nhưng rất tự nhiên giống như cách đến với Hindu giáo. Khoảnh khắc cha Martin nói Pi đã là người của Cơ đốc giáo, cậu “tưởng mình sắp nổ tung vì sung sướng”. Chỉ một năm sau, tâm hồn của Pi lại được khai sáng bởi một tôn giáo khác- Hồi giáo.

Pi tiếp thu tất cả triết lý của các tôn giáo và thực hành nó theo cách riêng. Dù theo triết lý đa tôn giáo nhưng cậu không đặt nặng hay nhẹ một tôn giáo nào mà mỗi tôn giáo đều mang đến cảm giác bình yên, hạnh phúc trong tâm hồn.

Ba tôn giáo trong một con người giống như ba căn phòng trong một ngôi nhà, cùng tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất, không chồng chéo, giẫm đạp lên nhau, mỗi tôn giáo đều có triết lý riêng nhưng khi chúng cùng tồn tại trong Pi thì dường như cả ba lại là một. Bởi vì dù là ở bất kì ngôi đền hay nhà thờ nào, Pi đều nhìn thấy sự hiện diện của Thượng đế, điều đó quan trọng hơn tất cả.

Những thay đổi của đất nước khiến gia đình Pi buộc phải bán sở thú và mang những con thú lên tàu chuyển tới Canada sinh sống. Khi đi qua rãnh Mariana sâu nhất thế giới, con tàu bất ngờ gặp trận bão khủng khiếp, nhấn chìm tất cả thủy thủ đoàn, gia đình gồm bố mẹ, anh trai của Pi và cả đàn thú. Chỉ còn cậu và chú hổ Richard Parker, hai sinh vật luôn phải đấu tranh không ngừng để giành giật lãnh thổ - chiếc thuyền cứu hộ trong tình trạng lương thực ít dần.

Để quên đi hoàn cảnh của mình, một trong những việc giúp Pi là cầu nguyện. Sáng thức dậy là cầu nguyện, chiều muộn cầu nguyện, tối muộn vẫn cầu nguyện, mặt trời lặn cầu nguyện, đêm ngủ tỉnh dậy vẫn cũng cầu nguyện.

Chỉ cầu nguyện Pi mới cảm nhận sự tồn tại của mình, biết mình không cô đơn, mình còn có bạn đồng hành, cầu nguyện để thấy yên tâm trong lòng, tìm sự thanh thản trong tâm hồn giữa hoàn cảnh đầy biến động xung quanh, và cầu nguyện để thấy Thượng đế luôn bên mình, được nói chuyện và gửi niềm tin đến Người.

Chỉ có cầu nguyện Pi mới không đánh mất niềm tin khi đang ở cùng con hổ Bengah hung dữ trên chiếc xuồng nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Cầu nguyện để củng cố niềm tin vào những gì trước mắt. Niềm tin giúp con người ta không buông xuôi tất cả mà vẫn còn ít nhiều le lói sự hy vọng.

Gấp lại tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi”, trong lòng độc giả có lẽ còn rất nhiều nỗi hoài nghi và băn khoăn, rằng không biết đâu là thực, đâu là ảo. Liệu rằng chúng ta có nên đặt niềm tin vào Thượng đế?

Trong cuộc sống hiện đại, những phát minh về khoa học kĩ thuật ngày càng vượt trội khiến niềm tin trở nên bé nhỏ hơn. Tuy vậy, niềm tin giúp con người trở nên “người” hơn, trở thành động lực để vượt qua khó khăn, thử thách.

Thượng đế có thể chẳng ở đâu ra, mà ở trong chính con người ta. Điều cốt yếu là liệu ta có đủ niềm tin để bám víu vào đó hay là không, có nương nhờ vào đó để vượt qua mỗi nghịch cảnh hay không mà thôi.

“Cuộc đời của Pi” là tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, xuất bản năm 2002. Cuốn sách giúp tác giả giành giải Man Booker. Năm 2003, văn bản tiếng Anh, Life of Pi, và văn bản tiếng Pháp, L’Histoire de Pi, được chọn cho giải Canada Reads. Bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Lý An cũng xuất sắc giành 4 tượng vàng tại Oscar lần thứ 85.

MỚI - NÓNG
Màn rước nữ tướng 12 tuổi ở khai Hội Gióng
Màn rước nữ tướng 12 tuổi ở khai Hội Gióng
TPO - Màn rước kiệu nữ tướng trẻ của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) thu hút sự quan tâm của người dân, du khách thập phương trong lễ khai Hội Gióng đền Sóc diễn ra sáng 27/1 (mùng 6 Tết Nguyên đán) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới

TPO - Ông Y Thanh Hà Niê K’Đăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất bốn nhóm giải pháp Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nêu ý kiến cần bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người.
Bạn trẻ tham gia gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống (Trong ảnh là hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào trường học ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: Xuân Tùng

Bảo vệ biên cương văn hóa bằng sức mạnh nội sinh

TP - Trước tác động mãnh liệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào mọi lĩnh vực của đời sống, cần hết sức chú ý tới sức mạnh mềm của văn hoá; nâng cao trình độ và bản lĩnh sáng tạo của con người, nhất là thế hệ trẻ để bảo vệ biên cương văn hoá bằng sức mạnh nội sinh của văn hoá, con người Việt Nam...