Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến với các địa phương (ngày 3/4), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 2 kịch bản tăng trưởng năm nay là 6- 6,5%. Đồng tình với kịch bản tăng trưởng 6,5%, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý công tác điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế.

Khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn; có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến với các địa phương.

Về tăng trưởng, Bộ KH&ĐT nêu 2 kịch bản cho năm 2024 là GDP tăng 6% và 6,5%, đồng thời kiến nghị lựa chọn mức tăng 6,5%. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Đánh giá cao kết quả đạt được, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức cần tập trung xử lý, như sức ép lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới. Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm…

Cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế

Về kịch bản tăng trưởng, Thủ tướng đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “Năm quyết tâm” như: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp…

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 ảnh 2

Công nhân sản xuất trong nhà máy Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: H.C

Về giải pháp, Thủ tướng lưu ý công tác điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ban hành theo thẩm quyền chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…

Kịch bản tăng trưởng:

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01.

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong đó tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01.

MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.