Hà Nội chi 1,2 tỷ đồng xây dựng Đề cương phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đề cương sẽ nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong bối bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GRDP Thủ đô.

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới. Thời gian hoàn thành đề cương là tháng 12. Kinh phí thực hiện 1,2 tỷ đồng.

Đề cương sẽ nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ ngành CNVH Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong những trung tâm CNVH hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo trong thời gian tới.

Hà Nội chi 1,2 tỷ đồng xây dựng Đề cương phát triển công nghiệp văn hóa ảnh 1

Biểu diễn nghệ thuật trên không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Kết quả nghiên cứu sẽ là căn cứ khoa học, tài liệu tham khảo cho các sở, ban, ngành, và các quận, huyện, thị xã để tham mưu cho Thành ủy, UBND TP ban hành những cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển liên quan đến phát triển CNVH, cùng những lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới, định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành, lĩnh vực đó. Từ đó xác định các sản phẩm, dịch vụ CNVH cần ưu tiên phát triển, góp phần phát triển CNVH.

Đề cương giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt được định hướng của thành phố để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân phát huy được sáng kiến, sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội ngàn năm văn hiến, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Hà Nội yêu cầu đánh giá thực trạng phát triển chung của ngành CNVH (của cả 13 tiểu ngành) từ năm 2016 đến nay, trong đó, tập trung đánh giá khuôn khổ chính sách đào tạo dựng được và năng lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền.

Đánh giá sâu hơn thực trạng phát triển của 3/6 tiểu ngành CNVH có sẵn tiềm năng, lợi thế mà Hà Nội đã xác định, gồm du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực. Từ 3 tiểu ngành này, nhiệm vụ sẽ xác định, lựa chọn từ mỗi tiểu ngành, 1 đến 2 sản phẩm, dịch vụ CNVH để đề xuất thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây.

UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là đơn vị chủ trì xây dựng báo cáo nhiệm vụ, các Sở, ban, ngành cung cấp thông tin liên quan đến đánh giá được tiềm năng, điều kiện phát triển và thực trạng phát triển ngành CNVH. Đánh giá chung những kết quả đạt được, cơ hội, thách thức, khó khăn, hạn chế và những nhân tố ảnh hưởng...

MỚI - NÓNG