Gói viện trợ của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến chiến sự ở Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thông tin Hạ viện Mỹ phê duyệt khoản viện trợ trị giá hơn 60 tỷ đô la đã mang lại hy vọng cho Ukraine trong bối cảnh quân đội nước này đang nỗ lực xoay chuyển cục diện xung đột.

Tuy nhiên, việc gói viện trợ sẽ tác động như thế nào đến tình hình chiến trường phụ thuộc vào tốc độ Washington chuyển giao cho Kiev sau khi Hạ viện phê duyệt vào ngày 20/4. Dự kiến, Thượng viện sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự luật viện trợ vào ngày 23/4, sau đó chuyển cho Tổng thống Joe Biden để chính thức ký thông qua.

Trước đó, khi gói viện trợ bị đình trệ suốt 6 tháng tại Quốc hội Mỹ, quân đội Ukraine đã phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và nhân lực trầm trọng, trong khi lực lượng Nga liên tục tận dụng thời cơ để tấn công mạnh mẽ.

Theo ông Mykola Bielieskov - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, gói viện trợ này sẽ giúp quân đội Ukraine kìm chân lực lượng Nga, tiến hành "phòng thủ chủ động" và giảm thiểu tổn thất. Tuy nhiên, nếu muốn tiến xa hơn thì phải có thêm viện trợ. Đây là một viễn cảnh khó khăn ở Mỹ với sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa tại Quốc hội.

"Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có thêm viện trợ hay không, nếu có thì sẽ là bao nhiêu trong năm 2025 và sau đó, vì chiến lược của Nga là chờ đợi Ukraine cạn kiệt viện trợ", ông Bielieskov nói.

Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, ngay cả khi gói viện trợ của Mỹ được chuyển giao nhanh chóng, thì nó cũng “sẽ chỉ có thể tác động đến tình hình ở tiền tuyến sau vài tuần”.

"Vì vậy, tình hình ở tiền tuyến có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian đó, đặc biệt nếu lực lượng Nga tăng cường tấn công để tận dụng khoảng thời gian trước khi Ukraine có viện trợ mới của Mỹ”.

Xuất hiện trên đài NBC News hôm 21/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sự ủng hộ của Mỹ sẽ giúp củng cố quân đội Ukraine.

"Chúng tôi đã mất thế chủ động", ông Zelensky nói. "Bây giờ chúng tôi có tất cả các cơ hội để ổn định tình hình và giành lấy thế chủ động".

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết tuần trước rằng Bộ Quốc phòng Mỹ có thể chuyển vũ khí tới Ukraine “rất nhanh” sau khi viện trợ được thông qua.

Bà Oksana Markarova - Đại sứ Ukraine tại Mỹ cho biết vào ngày 19/4 rằng công tác hậu cần cho quá trình chuyển giao đã được thực hiện từ lâu. “Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Ukraine phối hợp hằng ngày để tìm kiếm vũ khí, và những gói hàng như vậy đang được chuẩn bị”.

Một số thiết bị, có thể bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa ATACMS, dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối tuần, thành viên đảng Dân chủ Mark Warner - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết trên đài CBS.

Trong tuần này, Đức cũng sẽ tiếp tục thúc ép các đồng minh châu Âu, bao gồm Pháp và Ý, cung cấp các hệ thống và linh kiện phòng không cho Ukraine, theo nguồn thạo tin. Berlin đã cam kết chuyển giao cho Kiev khẩu đội Patriot thứ ba cùng các hệ thống khác và đạn dược.

Ukraine sẽ sử dụng gói viện trợ của Mỹ như thế nào?

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói rằng nước này sẽ sử dụng 49,9 tỷ đô la (trong tổng số hơn 60 tỷ đô la viện trợ của Mỹ) cho mục đích quốc phòng.

Trong bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Shmyhal cho biết: "Tổng số tiền viện trợ là hơn 60 tỷ đô la, trong đó chúng tôi sẽ sử dụng 49,9 tỷ đô la cho chi tiêu quốc phòng, 7,8 tỷ đô la hỗ trợ ngân sách, 1,57 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, 400 triệu đô la cho quỹ bảo vệ biên giới và rà phá bom mìn".

Ông Shmyhal nhấn mạnh Ukraine kỳ vọng dự luật sẽ được Thượng viện Mỹ thông qua trong những ngày tới.

"Sẽ có thêm vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là vũ khí tầm xa và hệ thống phòng không; tăng cường ổn định tài chính vĩ mô, bao gồm tài trợ cho các hạng mục chi tiêu ngân sách được ưu tiên cao nhất; tiếp tục tái thiết nhanh chóng, chủ yếu là cơ sở hạ tầng quan trọng".

Trước đó, ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cung cấp hơn 60 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn.

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG