Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giao lưu trực tuyến với độc giả, các đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 đã chia sẻ về hành trình vượt lên chính mình, dám hành động để chinh phục mục tiêu và đạt được ước mơ của mình

Chiều 1/3, Báo VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với 3 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

Ba đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 tham gia buổi giao lưu, gồm: Nguyễn Tuấn Phong (sinh năm 2005), sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá của ĐH Bách khoa Hà Nội; Đại úy Lê Thế Văn (sinh năm 1989), Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Nguyễn Thị Thu Hoa, sinh năm 1992, CEO Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods.

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 1

Nhà báo Nguyễn Văn Bá - Tổng Biên tập Báo VietNamNet tặng hoa 3 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Luôn đặt ra những câu hỏi để khơi dậy đam mê

Nguyễn Tuấn Phong là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Phong là học trò đầu tiên của tỉnh giành Huy chương Vàng quốc tế. Trước đó, Phong cũng “bỏ túi” loạt thành tích ở môn Vật lý tại các cuộc thi quốc gia và khu vực. Với những thành tích xuất sắc trong học tập, Tuấn Phong được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2023. Hiện Phong vừa chinh phục thành công học bổng tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST).

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 2

Nguyễn Tuấn Phong giao lưu trực tuyến với độc giả

Trước khi đến với môn Vật lý, Phong từng muốn học sâu về môn Toán nhưng không thành công. “Năm lớp 6, em tham gia đội tuyển bồi dưỡng Toán của trường để tạo nguồn học sinh giỏi. Tuy nhiên, đến lớp 7, em không lọt được vào top 12 bạn của đội tuyển Toán. Khi ấy, em cũng khá buồn và thất vọng. Nhưng lúc đó em mới chỉ là học sinh lớp 7, còn chặng đường dài phía trước để tiếp tục học tập. Bên cạnh môn Toán, em nhận thấy còn các môn Khoa học tự nhiên khác cũng rất thú vị. Chính thầy giáo Vật lý đã định hướng và khơi gợi tình yêu môn học này trong em. Em chính thức theo đuổi môn Vật lý từ lúc ấy”, Tuấn Phong kể lại.

Mặc dù bắt đầu muộn hơn các bạn, gặp không ít khó khăn nhưng Phong luôn cố gắng để bắt kịp.

Phong nhanh chóng tìm được tình yêu, đam mê với môn Vật lý. “Mỗi lần được vào phòng thí nghiệm của trường, em thích mày mò và nghịch các bộ thí nghiệm điện. Em luôn tự hỏi những câu hỏi đơn giản như “Tại sao ma sát lại tạo ra điện?”. Em không ngờ, môn Vật lý lại có nhiều điều thú vị đến thế. Đến khi bắt đầu tham gia các cuộc thi nhỏ của trường hay làm các bài kiểm tra hàng tháng và đạt được những thành tích nhất định, em thấy mình có khả năng học môn này. Từ đó, em càng học say mê”, Tuấn Phong chia sẻ.

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 3

3 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Phong cho rằng, trên hành trình “chạm tay” tới huy chương, chắc chắn sẽ có những lúc cảm thấy nản chí, mệt mỏi, nhưng những lúc như thế, hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu để tiếp tục cố gắng.

Khởi nghiệp với “3 không”

Cô gái dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa hiện là CEO Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods. Chị Hoa khởi nghiệp thành công với món thịt chua - đặc sản quê hương Phú Thọ.

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 4

Nguyễn Thị Thu Hoa giao lưu trực tuyến với độc giả

Kể về hành trình khởi nghiệp của mình, Hoa chia sẻ, khó khăn lớn nhất là giai đoạn đầu khởi nghiệp. “Lúc đó, tôi không vốn, không kinh nghiệm, không người định hướng. Có thể nói, tất cả đều là con số 0. Với một cô gái lúc đó mới chỉ 18 tuổi, mọi việc đều mới mẻ và đầy áp lực. Thời gian đầu vào việc, tôi còn nghĩ tại sao mình làm gì cũng sai, việc nào cũng khó. Nhưng cái chính là tôi đã vượt qua được chính mình và dám hành động. Tôi gặp rất nhiều vấn đề, nhưng càng vì thế càng phải tìm giải pháp. Cứ khi nghĩ ra một hướng giải pháp nào, dù chỉ dám chắc ít phần trăm đúng hướng, tôi vẫn thực hiện và quyết tâm tìm ra phương án giải quyết đến cùng trước khi bỏ cuộc”, CEO Trường Foods chia sẻ.

Hoa kể, bắt tay vào phát triển thị trường, bản thân mới biết rằng, thịt chua là món ăn còn quá mới mẻ với mọi người, chỉ những người dân ở huyện Thanh Sơn và một số huyện lân cận biết đến món ăn này. Ngay như ở TP Việt Trì, rất ít người biết đến món thịt chua. Thời gian đầu, để bán được hàng, Hoa luôn phải mất rất nhiều thời gian để giải thích “thịt chua” là gì. “Việc này đã khó, việc để người ta tin rằng thịt chua an toàn và nhớ đến thương hiệu của mình lại còn khó hơn”, Hoa nói.

Tính mới trong ý tưởng khởi nghiệp của Hoa là sản phẩm, cách bán hàng và truyền thông. Hoa cho biết, thông thường thịt chua chỉ bảo quản được từ 5-7 ngày. Còn sản phẩm của em, sau khi cải tiến, ngoài việc giữ được chất lượng ổn định, mà còn bảo quản được 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh dù không cần đến chất bảo quản. Điều này giúp cho Trường Foods mở rộng được hệ thống đại lý, bởi đơn giản, càng dễ bảo quản thì các đại lý càng muốn nhập sản phẩm của mình.

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 5

Nguyễn Thị Thu Hoa, CEO Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods

Năm 2022, cô gái dân tộc Mường giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp cấp quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng năm, chị cũng đạt giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng.

CEO Trường Foods cho biết, thời gian tới sẽ phát triển thêm dòng sản phẩm thịt chua cao cấp làm từ thịt lợn mán - đặc sản của dân tộc Mường (hiện nay thịt chua đang được làm từ thịt lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP). Đồng thời, mở rộng quy mô công ty và hệ thống nhà phân phối để tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cũng như việc làm cho người dân trong và ngoài địa phương.

Đấu tranh, bảo vệ an toàn trên không gian mạng

Đại uý Lê Thế Văn đảm nhận vai trò trực tiếp tham gia nắm tình hình hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ; kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của đất nước.

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 6

Đại uý Lê Thế Văn trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi giao lưu trực truyến

Anh Văn chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã lựa chọn ngành CNTT của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tại đây, anh được học nhiều kiến thức về an toàn thông tin, mật mã... Sau khi tốt nghiệp đại học, biết Bộ Công an đang tuyển dụng cán bộ ngành An ninh mạng, anh đã quyết tâm nộp hồ sơ và vượt qua các vòng thi tuyển, trở thành Thiếu uý chuyên lĩnh vực an ninh mạng. “Càng làm việc tôi càng cảm thấy hứng thú, yêu thích và muốn gắn bó lâu dài với công việc này”, anh Văn chia sẻ.

Giao lưu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2023: Vượt qua chính mình và dám hành động ảnh 7

Là người trực tiếp xử lý các vụ án liên quan đến an ninh mạng, mỗi khi người dân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt số lượng lớn tiền với những chiêu trò lừa đảo khác nhau, anh cảm thấy bức xúc như mình mới là người trong cuộc.

“Nhiều người vì thiếu hiểu biết và lòng tham nên bị lừa một số tiền rất lớn, có thể là tiền chữa bệnh, tiền lương hưu hoặc tiết kiệm tích góp cả đời. Hoặc có những bé gái chưa thành niên, không đủ kiến thức kinh nghiệm để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua mạng khiến các em gặp bế tắc về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe”, Đại uý Văn chia sẻ về tác động, hậu quả của lừa đảo trên mạng.

Theo Đại úy Lê Thế Văn, các bạn trẻ bây giờ rất năng động, thông minh, có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức rộng lớn trên không gian mạng. Nếu các bạn biết trau dồi bản lĩnh, nghiêm túc trang bị kiến thức và có thái độ đúng đắn thì càng tiếp nhận được nhiều lợi ích mà mạng xã hội đem lại.

“Tuy nhiên, nếu không chịu đầu tư, rèn luyện, tư tưởng thụ động thì sẽ dễ bị mạng xã hội ảnh hưởng xấu, bị các đối tượng xấu lôi kéo, hình thành tư duy sai lệch”, Đại úy Lê Thế Văn đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.