Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc: Vay tiền không biết để làm gì

Người dân tộc Thái đang làm lúa tại cánh đồng xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, TP Điện Biên. Ảnh: Như ý
Người dân tộc Thái đang làm lúa tại cánh đồng xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, TP Điện Biên. Ảnh: Như ý
TP - Ngày 25/4, phát biểu tại Phiên giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói: “Nhiều nơi, đồng bào còn rất nghèo nhưng vào nhà hũ gạo thì ít mà hũ rượu thì nhiều. Có bà con bảo vay tiền về cũng không biết để làm gì...”.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo còn khá lớn. Đặc biệt, cả nước còn hàng vạn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Cụ thể, từ năm 2005 đến 2012, có 324.662 hộ được hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất (đạt 49,82% so nhu cầu). Tới đây, trong giai đoạn 2012-2016, còn 326.909 hộ cần hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất. Ủy ban Dân tộc đề nghị bố trí 5% tổng chi ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016-2020.

Chính sách chồng chéo

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư, vấn đề bức xúc hiện nay là tỷ lệ nghèo ở các xã khó khăn, huyện nghèo còn cao (45 - 60%); thu nhập bình quân chỉ bằng 30% so với khu vực nông thôn, khoảng cách giàu nghèo chưa giảm. “Đề nghị Bộ trưởng LĐ,TB&XH, bộ ngành liên quan làm rõ trách nhiệm quản lý, đưa ra giải pháp hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn tiếp theo”, ông Cư phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Khá nói rằng, giám sát khu vực Tây Nguyên cho thấy có nơi dân trí rất thấp, trưởng thôn chỉ học hết lớp 5, nhưng đáng nói hơn là tình hình thiếu đất sản xuất của bà con. “Nhiều cánh đồng bạt ngàn ngô khoai sắn, nhưng toàn của người Kinh, người dân tộc đi làm thuê cho họ. Vì vậy, có được vay tiền của Ngân hàng Chính sách cũng không biết làm gì” - bà Khá nói.

“Vì sao đồng bào thiếu đất, nhưng xung quanh nhà của đồng bào là đất của nông, lâm trường (khoảng 6 triệu ha) sử dụng kém hiệu quả. Vậy có điều chỉnh để giao lại cho bà con không?”.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Danh Út

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út đề nghị giải trình “vì sao đồng bào thiếu đất, nhưng xung quanh nhà của đồng bào là đất của nông, lâm trường (khoảng 6 triệu ha) sử dụng kém hiệu quả. Vậy có điều chỉnh để giao lại cho bà con không?”.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là chính sách chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành.

“Từ 2006, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia, bao gồm các ngành tham mưu, hoạch định chính sách, dù có sự phối hợp nhưng vẫn chồng chéo, hoạt động còn có hạn chế”, bà Chuyền nói.

Theo bà Chuyền để góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, một trong những giải pháp ưu tiên thời gian tới là tập trung nguồn lực cho những vùng đặc biệt khó khăn, xã nghèo, huyện nghèo. Cần tập trung đầu tư về hạ tầng thiết yếu, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp (tiền điện, nước), thay bằng chính sách khuyến khích để người dân vươn lên, thoát nghèo (tăng nguồn vốn vay ưu đãi, tăng hướng dẫn nghề nghiệp).

Thiếu đất

Trả lời về vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, có nhiều nguyên nhân như do áp lực gia tăng dân số, di dân tự do. Ngoài ra, việc thu hồi đất để làm công trình công cộng cũng còn bất cập về tái định cư, nơi ở mới không bằng được nơi cũ, thiếu đất sản xuất.

“Đời sống khó khăn là một chuyện, một bộ phận không ít đồng bào là nạn nhân bị dụ dỗ, mua chuộc bán đất đai cho người khác. Có trách nhiệm của công tác tuyên truyền, giáo dục, trách nhiệm của địa phương để tình hình xảy ra. Ngay phiên điều trần hôm nay, phải mời các đồng chí chủ tịch, bí thư Tỉnh ủy những địa phương đó tới đây để giải thích. Địa phương không thể đứng ngoài, như thế là không ổn”, ông Giảng Seo Phử phát biểu.

Tuy nhiên, ông Giàng Seo Phử cũng chia sẻ với địa phương “đây là vấn đề rất khó”. Vì vậy, để bố trí sắp xếp lại đất đai, Quốc hội phải chỉ đạo, phải vào cuộc, chứ mình Ủy ban Dân tộc không thể làm được. “Ủy ban không có quyền lực thì lấy quyền gì thu đất, giao đất. Chúng tôi không có chức năng thu hồi đất của nông, lâm trường, cơ chế điều hành, quản lý của chúng ta cũng có vấn đề như thế...”, ông Giàng Seo Phử nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói rằng, cần rà soát lại quỹ đất tại các nông, lâm trường quốc doanh, thu hồi một phần đất phù hợp để ưu tiên giải quyết cho đồng bào. Thời gian qua, các địa phương đã thu hồi 890.000 ha đất của các nông, lâm trường giao cho đồng bào sinh sống trên địa bàn, nhưng chưa đủ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho đồng bào khoanh nuôi, bảo vệ. Mặt khác, nên tiếp tục nỗ lực, hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có. Tổ chức thực hiện các chính sách giúp đồng bào phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đào tạo ngành nghề phù hợp với khu vực đồng bào sinh sống.

“Có chính sách hỗ trợ mạnh để đồng bào chuyển sang phát triển hàng hóa, thay vì tự cung tự cấp. Các địa phương chỉ đạo theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hóa để bán, giúp bà con có thu nhập cao hơn”, ông Phát nói.

MỚI - NÓNG