Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản

TPO - Chọn Tà Xùa làm nơi khởi nghiệp, việc đầu tiên anh Phạm Vũ Khánh làm khi đến đây là học tiếng Mông để cùng người Mông biến những cây chè cổ thụ hay bị cho là cây củi thành đặc sản.

Hơn 10 năm kể từ ngày đặt chân lên Bản Bẹ, Tà Xùa (Sơn La), anh Phạm Vũ Khánh (sinh năm 1972) kể rằng mình đã bị những rừng chè cổ thụ ở đây chinh phục.

Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản ảnh 1

Một cây chè cổ thụ ở Tà Xùa đã được công nhận là cây di sản.

Ở độ cao gần 3000m, khí hậu Tà Xùa vô cùng lý tưởng để nuôi dưỡng những giống chè quý bản địa. Nhiều cây chè shan tuyết ở đây có tuổi đời từ 200 đến hơn 300 năm. Nhưng có một điều nghịch lý là lúc ấy những cây “vàng xanh” này lại bị đặt ở vùng đang bị quy hoạch bỏ đi. Vì không có người thu mua nguyên liệu, người dân coi chè như một loại cây rừng, trời lạnh chặt về làm củi đốt, thiếu đói thì chặt chè để trồng ngô.

Khi anh Khánh quyết định chọn Tà Xùa làm vùng nguyên liệu chè, chỗ này là xã khó khăn cấp độ 3, chưa có đường, chưa có điện. Vợ chồng anh đã chọn tên thương hiệu chè của mình là Shannam, nghĩa là chè shan tuyết của Việt Nam và quyết định đồng hành cùng người Mông bản địa để khai thác loại tài nguyên xanh quý hiếm này.

Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản ảnh 2

Trước đây người Mông ở Tà Xùa không mấy coi trọng cây "vàng xanh" này.

Những công nhân người Mông đầu tiên được mời vào làm việc trong nhà máy hầu hết không biết chữ, vợ chồng anh Khánh và các cộng sự dành nguyên cả mấy tháng trời để dạy họ học chữ, học thu hái chè, sao chè, bán hàng, sử dụng máy vi tính...

Dựa vào kinh nghiệm chế biến chè của những người Mông bản địa và kiến thức cơ khí độc đáo của mình, anh Khánh đã sáng chế ra những cái máy sao, ép trà có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Bánh trà của anh được ép muôn hình vạn trạng, đơn giản như hình phong chocolate hay phức tạp như in hình bản đồ, con giống trên bánh, thậm chí từ trà bánh anh còn làm thành cả một mô hình Khuê Văn Các khiến khách hàng trầm trồ không dứt.

Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản ảnh 3

Những công nhân người Mông được anh Khánh chiêu mộ làm việc trong nhà máy chè Tà Xùa.

Chị Nguyễn Thị Thắm, vợ anh Khánh chia sẻ: “Quá trình để đưa đặc sản chè shan vào sản xuất công nghiệp rất dài và rất vất vả. Thời gian đầu chúng tôi phải đến tận nơi, tham gia và hướng dẫn bà con cách thu hái sao cho đạt những quy chuẩn phù hợp việc sản xuất. Từ xa xưa, người Mông ở Tà Xùa đều hái chè theo cảm tính và sao chè bằng chảo gang. Bởi vì một búp chè cổ thụ rất to, đối với việc sao bằng củi lửa, sẽ không đủ nhiệt để có thể diệt được men của búp trà to như vậy. Cho nên thành phẩm chỉ là trà đắng, khi bà con đem bán ra thị trường thì người ta không mua.

Để hóa giải những khuyết điểm này, chúng tôi quyết định giữ lại kinh nghiệm, cách làm của đồng bào, nhưng thêm vào đó kỹ thuật, máy móc, phương tiện chế biến trà hiện đại theo quy mô công nghiệp. Tất nhiên, để thay đổi một thói quen đã ăn sâu hàng ngàn năm không phải ngày một ngày hai mà làm được”.

Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản ảnh 4

Anh Khánh đem trà Shannam đi giới thiệu ở khắp các hội chợ trong và ngoài nước.

Kiên trì từng năm một, dân Tà Xùa đã bắt đầu thấy được lợi ích của việc bảo vệ cây chè. Cuộc sống ở Tà Xùa, không chỉ có Bản Bẹ mà cả Mống Vàng, Làng Sáng, Chò B...nhờ cây chè đã từng bước thay da đổi thịt. Tiền thu mua chè tăng dần theo từng năm, năm 2016, tiền mua chè tươi của bà con là 40 ngàn đồng một cân, đến nay công ty thu mua chè với giá 80-90 ngàn đồng một cân.

Cũng nhờ dự án làm trà của vợ chồng anh Khánh, lãnh đạo địa phương đã đầu tư một con đường bê tông nối với Bản Bẹ và lập hồ sơ xin công nhận 200 cây chè shan tuyết cổ thụ ở Bản Bẹ là Cây di sản.

Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản ảnh 5

Chị Thắm (áo trắng) giới thiệu tour thưởng trà, phía sau chị là những sản phẩm trà ép bánh nổi tiếng của công ty.

Hiện, thương hiệu trà Shanam của vợ chồng anh Khánh, chị Thắm đã được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới với số điểm là 94/100 điểm. Tính đến thời điểm này, công nhân thu mua chè nguyên liệu cũng như công nhân trong nhà máy và thậm chí là nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của trà Shanam ở Tà Xùa, Sơn La đều là người dân tộc Mông.

Giám đốc học tiếng Mông để cùng dân bản biến cây củi thành đặc sản ảnh 6

Anh Khánh (bên phải) giúp dân bản ươm mầm chè cổ thụ với mong muốn sẽ tạo được những rừng chè shan tuyết mới trong tương lai.

Ngoài tiền bán trà, hiện những hộ dân tộc thiểu số ở Tà Xùa còn được công ty của vợ chồng anh Khánh tạo điều kiện để nâng cao thu nhập nhờ tổ chức các tour trải nghiệm chuyên về chè như: thăm vùng chè cổ thụ, tự hái chè, trải nghiệm sản xuất chè trong nhà máy, thưởng các loại trà được chế biến từ cây chè cổ thụ hơn trăm năm tuổi, thăm các cảnh đẹp và văn hóa người Mông ở Tà Xùa.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...