Già làng, trưởng bản bàn chuyện dự án

Già làng, trưởng bản bàn chuyện dự án
TP - Hơn 110 già làng, trưởng thôn, bản tỉnh Quảng Nam lần đầu gặp mặt đông đảo để thay mặt người dân trình bày những vui buồn, băn khoăn và cả những bức xúc về câu chuyện nóng: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong các vùng dự án.

Tại Hội nghị về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong vùng dự án do tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng qua (10-8), đại biểu là hầu hết các già làng, trưởng bản đại diện cho người dân tại các khu vực nóng, tập trung nhiều dự án hoặc các dự án trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh từ đồng bằng đến miền núi. Họ cùng nói lên tâm tư, nguyện vọng, phản ảnh những bức xúc chính đáng của người dân trong vùng dự án nhất là các dự án treo.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, trưởng thôn Hà My Đông B, xã Điện Dương (Điện Bàn) phát biểu: “Quảng Nam là tỉnh nghèo nhưng lại có nhiều dự án. Dự án quy hoạch không thực hiện nên không tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, gây nhiều bức xúc. Hơn 10 năm qua, vấn đề xây dựng nhà trái phép trong vùng dự án không được giải quyết dứt điểm, hậu quả là người dân chịu nhiều thiệt thòi khi bị cưỡng chế”.

Ông Vũ đơn cử từ năm 2008 đến nay, Điện Dương có 5 dự án nhưng đến nay chỉ có 2 dự án triển khai. Người dân nằm trong vùng quy hoạch không được đền bù, giải tỏa, không được di dời, chuyển nhượng đất đai nhà cửa, dân kêu ca kiến nghị mãi nhưng không thấy động tĩnh gì.

“Trăm dâu đổ đầu tằm, trưởng thôn đứng ở giữa chủ trương của tỉnh, huyện và nhu cầu thiết yếu của người dân” - ông Vũ nói.

Ông Trang Văn Sang, trưởng khối phố An Trung, thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức phản ánh lên lãnh đạo tỉnh về việc không giải quyết dứt điểm việc tái định cư thủy điện Sông Tranh 4, nhà máy nước Việt An khiến hàng chục hộ dân lâm vào cảnh khó khăn không biết kêu ai.

Dự án sắp xếp dân cư ven biển được nhiều trưởng thôn quan tâm, vì đây là một dự án lớn ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ dân. Tuy nhiên đến nay sau nhiều năm dự án vẫn bị treo khiến người dân nằm trong vùng dự án bị mắc kẹt. Nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, dân sống trong âu lo nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều gia đình đông con có nhu cầu sang nhượng, tách hộ cũng không thể được.

Đơn cử như xã Bình Minh huyện Thăng Bình có 4 thôn nằm trong vùng quy hoạch của Dự án sắp xếp dân cư ven biển. Toàn xã có 78 hộ nghèo đến nay không thể hưởng lợi chính sách hỗ trợ làm nhà theo chương trình 167 của Chính phủ, nhà cửa xuống cấp không thể sửa chữa, làm mới.

Ông Trần Công Ánh - trưởng thôn Bình Tân xã Bình Minh, nói: “Dự án về, treo biển quy hoạch dân mừng và chấp hành hết các quy định. Nhưng mãi rồi không thấy ai đả động gì. Nhà cửa xuống cấp, tiền nhà nước có đó nhưng chính quyền đâu thể tự ý cho dân làm. Vào mùa mưa bão, nhà cửa đổ sập xuống thì ai chịu trách nhiệm?”

Đến từ huyện miền núi Tây Giang, già làng Pơloong Nấp đại diện cho người dân xã A Tiêng phản ánh ý kiến của người dân về việc chậm trễ trong việc đền bù tại các dự án nhất là dự án giao thông miền núi. “Chính quyền quy hoạch tốt, tuyên truyền tốt nhưng khi chủ đầu tư triển khai thì chậm trễ. Có dự án 2 – 3 năm không xong chuyện đền bù, khiến đồng bào mất niềm tin vào chính sách của Nhà nước”, già làng Nấp bức xúc.

Gần 100 ý kiến, kiến nghị của trưởng thôn, già làng, trưởng bản phản ánh công khai, trực tiếp lên lãnh đạo tỉnh và được ghi nhận. Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Các ý kiến, kiến nghị của trưởng thôn, già làng, trưởng bản là cơ sở để tỉnh có những điều chỉnh về chính sách đối với người dân trong vùng dự án. Tỉnh sẽ thành lập đoàn khảo sát lại thực tế tại các địa phương để có sự thống nhất giữa chính quyền, chủ đầu tư, người dân trong các vùng dự án để cùng tháo gỡ các vướng mắc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG