Ghi ở vùng biên viễn: Đìu hiu thiên đường mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hệ quả từ việc điều tiết của phía Trung Quốc dẫn đến những nơi được coi là “Thiên đường” xuất nhập khẩu hàng hóa, sầm uất buôn bán thì nay trở thành vắng vẻ, đìu hiu. Kèm theo là những tiểu thương, người làm thuê ở biên giới Lạng Sơn lâm vào cảnh thất nghiệp...

Chợ vùng biên èo uột

Trạm kiểm soát số 1 cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), thuộc bản Nà Lầu, xã Tân Thanh, trước đây nhộn nhịp người và hàng qua lại biên giới Việt- Trung.

Cửa khẩu này được coi là nơi xuất khẩu nông sản, trái cây lớn nhất miền Bắc, dịp cuối năm như thời điểm hiện tại ở đây hàng hóa chất đống, vậy mà giờ vắng lặng, buồn tẻ lạ lùng.

Ghi ở vùng biên viễn: Đìu hiu thiên đường mua sắm ảnh 1

Trạm kiểm soát số 1, cửa khẩu Tân Thanh luôn đóng cửa im lìm Ảnh: Duy Chiến

Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Khi bãi Khả Phong- chợ đầu mối hoa quả và là nơi sang tải, kiểm hóa hàng xuất nhập khẩu tại Pò Chài (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc) hoàn thành thì phía đối diện bãi Bảo Nguyên (nằm trong khu cửa khẩu Tân Thanh) cũng được xây dựng.

Tỉnh Lạng Sơn đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo đường riêng cho xe ô tô chở hàng xuất nhập khẩu hàng qua Tân Thanh cách Trạm kiểm soát số 1 chừng một cây số. Vậy nên từ đầu năm 2020 đến nay, Trạm kiểm soát số 1 chỉ là nơi làm thủ tục cho người xuất nhập cảnh. Do dịch bệnh COVID-19 phức tạp, gần như Trạm kiểm soát đóng cửa im lìm suốt ngày đêm.

Nằm cách biên giới Việt- Trung chừng 100 mét, chợ đầu mối Tân Thanh xưa nay là trung tâm mua sắm sầm uất bậc nhất Lạng Sơn.

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, khu vực mua sắm tại Tân Thanh rộng hơn 10ha với tổng số khoảng 2.000 đến 3.000 quầy hàng. Ở đây có 6 trung tâm thương mại lớn là Việt -Trung, Sài Gòn- Lạng Sơn, Hồng Công, Quảng Châu, Tân Thanh và Thế giới phụ nữ, chủ yếu bày bán sản phẩm hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Từ quần áo, giày dép, bát đũa, đồ điện tử, điện lạnh, đồ chơi, cho đến bánh kẹo, hoa quả. Tất thảy đều mang nhãn hiệu hàng "Made in China".

Theo quan sát của chúng tôi, dù là những ngày cuối năm, sắp Nôel nhưng ở khu vực “Thiên đường mua sắm” này có nhiều dãy hàng đóng cửa. Thi thoảng mới có vài quán nước vỉa hè, đồ nướng ăn nhanh còn đỏ lửa, mở cửa đón khách.

Chị Nguyễn Thị Hà, hộ kinh doanh hàng tạp hóa ở chợ Tân Thanh ngồi lướt facebook để giết thời gian. Chị tâm sự: Nhiều tháng qua, cả khu chợ này ế ẩm, hầu như không có khách tới. Quầy của chị 2 - 3 ngày nay chẳng bán được mặt hàng nào.

Như Tân Thanh, tại chợ biên giới thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), những ngày này cũng rất ế ẩm. Bà Nguyễn Thị Ngọc, kinh doanh tại chợ cho hay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên khách ngoài tỉnh, khách du lịch đến địa phương thăm viếng đền Mẫu nằm sát chợ Đồng Đăng rất ít dẫn đến việc buôn bán bị ảnh hưởng. Nhiều hộ kinh doanh đã đồng loạt phủ bạt, đóng quầy.

Theo quan sát của phóng viên, ở khu vực biên giới, các hàng quán phục vụ dân “cửu vạn”, gánh vác hàng thuê ở cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) cũng vắng hoe, cửa đóng then cài vì không có ô tô chở hàng, người đến làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Ông Trịnh Thanh Tùng, chủ bãi xe Thăng Long ở trung tâm cửa khẩu Cốc Nam dẫn chúng tôi tham quan một vòng bến bãi vắng lặng, không bóng người, phương tiện rồi nói: “Đã ba tháng nay, kể từ khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu Lũng Vài nơi đây trở thành bãi đất hoang. Chúng tôi phải giải quyết cho 16 công nhân nghỉ việc. Bên cạnh đó một số dịch vụ, quán ăn, nước uống “ăn theo” bến bãi cũng tự giải tán”.

Đền, chùa vắng lặng

Chùa Tân Thanh được xây dựng vào năm 2015, cách biên giới chừng vài trăm mét, không chỉ là nơi đáp ứng đời sống tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân địa phương, du khách, tăng ni, phật tử trong và ngoài nước mà còn có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Ghi ở vùng biên viễn: Đìu hiu thiên đường mua sắm ảnh 2

Chùa Tân Thanh, điểm sinh hoạt tâm linh nổi tiếng bấy lâu không có khách đến thăm quan, làm lễ. Ảnh: Duy Chiến

Đại đức Thích Bản Chung, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chùa Tân Thanh với nét kiến trúc thuần Việt, thể hiện nền văn hóa đất nước và khát vọng hướng thiện, lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Cũng chính vì nguồn mạch thiêng liêng ấy mà hàng năm, nhất vào dịp cuối đông, đầu xuân, hàng vạn du khách đã trẩy hội về vãn cảnh, chiêm bái tại ngôi chùa miền biên viễn này.

Theo Đại đức Thích Bản Chung, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, chùa Tân Thanh thực hiện đóng cửa. Bên cạnh đó, cũng do dịch đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, du khách ngoài tỉnh không lên Lạng Sơn lễ chùa như mọi năm.

“Thời gian gần đây, công tác Phật sự chúng tôi vẫn duy trì. Nhất là công tác từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, công việc chuẩn bị Đại hội Phật giáo các cấp, song đảm bảo quy định “5K” của Bộ Y tế. Tuy Lạng Sơn đang ở cấp độ dịch “vùng vàng xanh”, nhưng Ban trị sự Phật giáo địa phương không tổ chức cúng lễ ngày rằm, đầu tháng. Nhất là các khóa lễ, khóa giảng cũng hoãn hủy vì các phật tử người địa phương đa số là người lớn tuổi”, Đại đức Thích Bản Chung nói.

“Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 335 di tích, trong đó có hơn 150 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật là đình, đền, chùa. Ngành Văn hóa địa phương đề nghị hạn chế tổ chức nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các hoạt động lễ hội, văn hóa tập trung đông người và tăng cường tuyên truyền và trang bị các biện pháp phòng bệnh dịch COVID-19”.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh Lạng Sơn

Nằm ở địa bàn biên giới thị trấn Đồng Đăng, đền Mẫu là địa chỉ tâm linh thu hút rất đông người đến làm lễ. Tuy vậy, mấy tháng lại đây đền luôn trong tình trạng vắng lặng, ít người ra vào. Tại các cửa dẫn vào trong đền đều có trang bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang và pa nô hướng dẫn thực hiện thông điệp 5K để người dân, du khách thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Lợi, thành viên Ban quản lý đền Mẫu cho biết, cũng như các điểm di tích tâm linh khác trên địa bàn tỉnh, đền Mẫu lác đác một vài người dân địa phương đến làm lễ khi gia đình có việc trọng.

“Họ đến thực hiện nghi lễ rất nhanh gọn rồi ra về ngay. Đã gần một năm nay, nhà đền chưa đón tiếp Phật tử, du khách phương xa nào. Điều này cũng giúp cho người dân biên giới Lạng Sơn an tâm hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”. Bà Lợi chia sẻ.

Những thay đổi và khó khăn mà doanh nghiệp, các tổ chức xã hội- tôn giáo và nhân dân địa phương đang phải đối mặt là phép thử cho sự kiên trì, chịu đựng của người dân miền biên ải. Họ tin rằng, dịch dã sớm qua mau để cuộc sống trở lại bình yên, thịnh vượng.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.