Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ cạn bất thường

Lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn thành cỏ cho bò. Ảnh: Thanh Hải.
Lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn thành cỏ cho bò. Ảnh: Thanh Hải.
TP - Năm nay, lũ ở ĐBSCL cạn kiệt bất thường, những người trông chờ đánh bắt thủy sản mùa lũ lẫn các làng nghề làm dụng cụ đánh bắt đều buồn thiu. Nông dân làm lúa mùa nổi, giống lúa quý sống nhờ nước lũ, thì trắng tay.

Kiệt chưa từng thấy

Ông Huỳnh Văn Hiện, 65 tuổi, ở ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú (Châu Phú, An Giang) sống ở vùng rốn lũ, từ nhỏ đã cắm câu, giăng lưới mùa lũ. Ông cho biết, vài chục năm qua chưa từng thấy lũ kiệt như năm nay. “Năm nay, lúc đỉnh điểm lũ vào tháng 9, mực nước trên sông không đủ để tràn vào ruộng. Trong khi, cùng thời điểm những năm trước, người dân lo nước tràn qua đê cao hơn 4 m”, ông Hiện nói. Theo ông Hiện, một nguyên nhân nữa khiến việc khai thác thủy sản mùa lũ không còn sống được là đắp đê bao khép kín quá nhiều, cá tôm không còn được tự do lên ruộng sinh đẻ, nên ngày càng cạn kiệt.

Ông Nguyễn Văn Hùng cùng ở xã Mỹ Phú đang loay hoay giăng lưới ba màng dưới sông giữa trưa nắng. Ông cho biết, năm nay không có lũ nên kiếm cá “đỏ mắt”, giăng lưới cả buổi sáng dính chưa đầy một ký cá nhỏ, bán chỉ được vài chục ngàn. Còn ông Trương Văn Vũ (sống bằng nghề vớt trứng nước mùa lũ bán cho cá kiểng), kể: “Cả năm, tôi đợi đến mùa nước nổi để vớt trứng nước kiếm ngày mấy trăm nghìn đồng, nhưng năm nay không có lũ, đành gác đồ nghề để đi làm thuê”.

Bên tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Bé (ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) than thở: “Trong ấp, mười người sống bằng nghề câu, lưới là có đến tám đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ”.

Làng lưới vắng hoe

Trưa 15/12, phóng viên Tiền Phong đến làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ), bên Quốc lộ 91. Một đoạn dài mấy trăm mét, san sát đủ loại lưới, chài và dụng cụ bắt cá tôm, nhưng vắng hoe. Ông Hồ Thành Em, chủ một tiệm bán lưới, cho biết: “Ế ẩm lắm, ngày chỉ có một vài người đến mua lẻ, thậm chí cả tuần không có người hỏi. Sáng dọn ra, chiều đem vào y nguyên”. Theo ông Em, mấy năm trước, đến mùa lũ, làm ngày đêm không kịp giao hàng cho khách. Năm rồi lũ ít nhưng cũng bán lai rai được mỗi ngày 1- 2 triệu đồng. Còn năm nay hàng làm ra không có người mua. Gia đình ông gắn bó với nghề đan lưới hơn 30 năm, ông là thế hệ thứ 3, “nhưng rồi đây có thể phải chuyển sang nghề khác”.

Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, ông Nguyễn Trọng Trí, cho biết, làng nghề đan lưới có trên 30 hộ. Hằng năm, cao điểm phục vụ mùa lũ thu hút trên 1.200 lao động làm ngày đêm, chưa kể người dân đem lưới về nhà làm. Nhưng năm nay lũ kiệt bất thường, người làm giảm nhiều, họ đã bỏ đi làm thuê, làm các nghề khác.

Ở đầu nguồn lũ tỉnh An Giang, làng nghề đan lọp cá linh năm nay cũng đìu hiu. Ông Nguyễn Văn Tòng, 64 tuổi, Tổ trưởng đan lọp cá linh ở xã Phước Hưng, huyện An Phú nói: “Năm rồi bán được hơn 5.000 cái, nhưng năm nay bán chỉ được hơn 3.000, trong khi năng lực của tổ mỗi năm làm 100.000 cái”. Trước đây, có gần 90 hộ với 350 người sống bằng nghề đan lọp cá linh, giờ chỉ còn khoảng 50 hộ (41%) với chưa đầy 200 người. Trong đó, khoảng 20 hộ duy trì nghề chủ yếu là vợ chồng già, còn thanh niên đã bỏ đi xa làm thuê.

Lúa mùa nổi mất trắng

Lúa mùa nổi là giống lúa truyền thống ở ĐBSCL, sống trong nước lũ, đầu mùa lũ, gieo sạ, nước lũ cao tới đâu, cây lúa ngoi tới đó, khi lũ rút, lúa chín là thu hoạch. Đây còn gọi là lúa “siêu sạch” vì không bón phân, xịt thuốc. Từ khi có giống lúa ngắn ngày thì teo mùa nổi tóp, chỉ còn vùng lũ sâu duy trì, nhưng mấy năm nay, một số địa phương và cơ quan khoa học hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích để giữ giống quý. Năm nay, cả vùng ĐBSCL có khoảng 160 ha lúa mùa nổi.

Nông dân xã Tân Long (Thanh Bình, Đồng Tháp) làm 50 ha, chỉ 10 ha ruộng sâu có thể thu hoạch, còn lại đều hạt lép. Bà con cho biết, hạt lép là vì không có nước lũ ngập vào giai đoạn lúa trổ bông. Thiệt hại nặng hơn còn ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà giữa rốn lũ Tứ giác Long Xuyên của huyện Tri Tôn (An Giang), mất trắng khoảng 100 ha. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, ông Nguyễn Văn Văn, cho biết, xã có 4.469 ha đất nông nghiệp, duy trì được 42 ha lúa mùa nổi. “Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sạch ngày càng cao nên xã vận động người dân duy trì lúa mùa nổi và quảng bá xây dựng thương hiệu từng nổi tiếng một thời. Thế nhưng lũ không về lại thiệt hại nặng”, ông Văn nói.

Ước thiệt hại lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà gần 3 tỷ đồng. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, ông Lý Văn Chính, nói: “Lúa mùa nổi phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên đành phải chịu”. Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, ông Nguyễn Sỹ Lâm, cũng buồn bã, không có lũ nên lúa mùa nổi mất trắng, đang đề nghị ngân sách hỗ trợ tiền giống cho người dân.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...