Độc lạ bộ Linh tiêm miền sơn cước xứ Lạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trải qua hàng thế kỷ, bộ thẻ tre chuyên xem bói cát hung, phán bảo của thánh thần, được coi là thẻ thiêng (Linh tiêm) ở đền cổ Bắc Lệ- nơi thờ Mẫu nổi tiếng ở miền biên viễn Lạng Sơn được tìm thấy. Bằng tâm huyết, các nhà khoa học phát hiện, lưu giữ những báu vật này..

Suýt mất của quý

Gặp nhau dịp đầu năm 2023, tại buổi bàn giao Linh tiêm Bắc Lệ cho Bảo tàng Lạng Sơn, TS. Phạm Văn Ánh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học tại Hà Nội vui vẻ tiết lộ với Tiền Phong: Bộ Linh tiêm là tư liệu quý liên quan đến đền Bắc Lệ công đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu. Linh tiêm nghĩa là chiếc thẻ tre, tiếng Việt dịch là “thẻ”.

Xưa, trong các cung quán, đền chùa… người ta dùng các thẻ tre có đánh số kí hiệu để bói việc cát hung, coi đó là sự phán bảo của thánh thần, do vậy các thẻ đó được gọi là “Linh tiêm” (nghĩa là thẻ thiêng), cũng có khi gọi là “thần tiêm” (thẻ thần). Nhưng độc đáo Linh tiêm ở đền Bắc Lệ được làm bằng gỗ ván rất cứng.

Độc lạ bộ Linh tiêm miền sơn cước xứ Lạng ảnh 1

Linh tiêm lưu giữ tại đền Bắc Lệ hàng thế kỷ qua Ảnh: Duy Chiến.

“Nhớ lại những năm 2001, 2002, đồng nghiệp cùng cơ quan tôi là chị Nguyễn Thị Hiệp đi điền dã ở Lạng Sơn, tới khu vực đền Bắc Lệ thì nhác thấy một cụ già mang bộ ván nom cũ kỹ định đem vứt xuống sông Kỳ Cùng. Chúng tôi tò mò hỏi cụ thì được biết, nhà đền thấy bộ ván này có dấu hiệu xuống cấp nên định đưa xuống nước cho “mát mẻ”. Cảm thấy đó là cổ vật nên chúng tôi đề nghị cụ cho đem về nhà…Chưa thực hiện hết công việc dịch thuật thì chị Hiệp sang Pháp làm luận án, lấy chồng và định cư tại nước ngoài. Hiện nay chị Hiệp là PGS.TS, đang làm việc tại Pháp, hằng năm có về Việt Nam tham gia một số chương trình nghiên cứu, sưu tầm… Chợt nhớ về vật xưa, thời gian đã qua hơn hai thập kỷ, chúng tôi lại cùng nhau nghiên cứu, đối chiếu với tư liệu trong và ngoài nước thì sững người phát hiện bộ ván cổ đó là Linh tiêm rất quý giá”, TS Phạm Văn Ánh thuật lại.

Theo ông Ánh, việc dịch thuật từ chữ cổ trên Linh tiêm rất khó khăn, kéo dài đến hơn 4 tháng, sau đó tìm thêm trong tư liệu lưu trữ của Viễn Đông bác cổ Pháp chép đầu thế kỉ 20 có cuốn Thánh mẫu Linh tiêm, nội dung cơ bản giống bộ Linh tiêm Bắc Lệ. “Tôi lấy bản Thánh mẫu Linh tiêm bên Pháp làm bản nền, khảo dị với bộ Linh tiêm Bắc Lệ, phiên dịch toàn bộ 600 bài thơ thuộc 50 quẻ (50 mặt ván) thì thấy chúng giống nhau rất rõ nét”, TS Ánh hào hứng nói.

Linh tiêm đạo Mẫu

Độc lạ bộ Linh tiêm miền sơn cước xứ Lạng ảnh 2

Cán bộ và nhân dân địa phương chiêm ngưỡng Linh tiêm hiện đang trưng bày tại bảo tàng tỉnh Ảnh: Duy Chiến.

Nghe thông tin 2 nhà khoa học kể trên đang lưu giữ Linh tiêm đền Bắc Lệ, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Lạng Sơn và Bảo tàng tỉnh cử cán bộ đến gặp gỡ, trực tiếp thẩm định cổ vật.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Linh tiêm đền Bắc Lệ công đồng hiện còn gồm 24 ván in, mỗi ván gồm 02 mặt, tổng cộng gồm 48. Ván gỗ hình chữ nhật, cao trung bình 15cm, rộng ngang 22,3cm đến 23,2cm, bề dày ván in: 1,3cm đến 2cm.

Các Linh tiêm được khắc lối chữ Khải thư thời nhà Nguyễn khá rõ ràng, sắc nét trên ván gỗ thị, ước tính niên đại được tạo tác sớm nhất vào đầu thế kỉ XX. Hiện trạng ván in vẫn được lưu giữ khá tốt, phẳng, tương đối nguyên vẹn, trừ một vài trường hợp bị nứt hay sứt mẻ đôi chút.

Nội dung chính của Linh tiêm đền Bắc Lệ phân chia làm 12 mục, đọc từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, mỗi mục là một bài thơ tứ tuyệt chữ Hán, được trình bày thành hai hàng dọc. Với nội dung xem tử vi, đoán vận hạn, phong thủy.... trong đó chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc, mang giá trị giáo dục đạo đức, lẽ sống ở đời, đã có từ ngàn xưa

Nói đoạn, ông Kiên dẫn tôi đi tham quan một vòng ngôi đền Bắc Lệ. Phải nói rằng, thiên nhiên thật khéo ban tặng nơi đây một không gian hữu tình giữa núi rừng.

Mọi người có cảm giác như được tắm mình trong khung cảnh hoang sơ của miền sơn cước, thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Người đi lễ không chỉ để thắp hương, dâng sớ, cầu lộc, cầu tài, bình an, cầu công thành danh toại mà còn để ngắm cảnh non nước hữu tình.

Tuy trải qua 5 lần tu bổ và tôn tạo nhưng những kiến trúc xưa vẫn còn nguyên vẹn và mang đậm dấu ấn điêu khắc dân gian. Các hàng cột bằng gỗ liền khối vẫn còn giữ nét nguyên sơ tạo thêm cho đền sự ấm cúng, linh thiêng.

Độc lạ bộ Linh tiêm miền sơn cước xứ Lạng ảnh 3

Hai nhà khoa học Phạm Văn Ánh, Nguyễn Thị Hiệp nhận Giấy khen của Sở VH-TT &DL Lạng Sơn Ảnh: Duy Chiến.

Ông Kiên giới thiệu: Đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, là nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn, một trong ba vị được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Nơi đây thường xuyên thu hút đông đảo du khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc về hành hương, vãn cảnh đền, nhất là dịp lễ tết, ngày hội non sông 30/4.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, đền Bắc Lệ được xây dựng vào năm 1919, nằm trên đồi cao, cách thị trấn Hữu Lũng khoảng 10 km. Tương truyền vào thế kỷ XV, công chúa La Bình đã hiển linh giúp nghĩa quân Lam Sơn đại thắng giặc Minh. Sau khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã cho xây đền Bắc Lệ để ghi nhớ công ơn của Mẫu Thượng Ngàn. Theo quan niệm thì đây là những vị thần ban phát của cải vô biên nơi núi rừng cho con người và trở thành biểu tượng của sự sống vĩnh hằng. Tuy trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc xưa và những di vật cổ có giá trị, như: 19 bức tượng lớn nhỏ làm từ gỗ mít, những bức hoành phi, câu đối qua các đời được chạm trổ tinh tế. Nay có thêm bộ Linh tiêm thì càng khẳng định nơi đây còn lưu giữ những cổ vật rất giá trị về văn hóa, xã hội”, ông Kiên nói.

Châu về hợp phố

TS. Phạm Văn Ánh cho biết, từ khi mang được Linh tiêm Bắc Lệ từ xứ Lạng về Hà Nội, các nhà khoa học tâm nguyện, canh cánh trong lòng và mong muốn, sẵn sàng bàn giao lại bộ ván khắc này cho địa phương.

Góp lời, ông Nông Đức Kiên chia sẻ: Những năm gần đây nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực việc hiến tặng hiện vật đã giúp bảo tàng có nguồn tư liệu, hiện vật phong phú, đa dạng và có giá trị.

Điều này có vai trò rất quan trọng nhằm tiếp tục duy trì sưu tầm những tư liệu quý và tránh thất thoát, vì có nhiều hiện vật nếu không bảo quản tốt sẽ hư hỏng theo thời gian.

Chúng tôi rời Bắc Lệ trong ánh trời rạng rỡ. Bên tai có tiếng chim hót lanh lảnh, xa xa. Tới thành phố Lạng Sơn, Bảo tàng địa phương tổ chức long trọng tiếp nhận Linh tiêm và trong niềm vui, phấn khởi ấy, hai nhà khoa học, nghiên cứu Phạm Văn Ánh và Nguyễn Thị Hiệp đã được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn tôn vinh, tặng giấy khen về “thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2020 - 2022”.

Xứ Lạng, giữa tháng 4/2023

“Bộ Linh tiêm đền Bắc Lệ không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa và còn có giá trị nghệ thuật độc đáo. Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn sẽ làm tốt công tác nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, trưng bày, để phát huy giá trị, giới thiệu về hiện vật đến du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, tìm hiểu…”.

Ông NÔNG ĐỨC Kiên

MỚI - NÓNG