Doanh nghiệp Trung Quốc muốn hợp tác về lúa gạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn trao đổi với chuyên gia lúa gạo của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, nhất là trong việc trồng lúa và tăng giá trị lúa gạo, trong bối cảnh xâm nhập mặn đang diễn ra.

Ngày 20/3, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Trung Quốc đã có mặt tham dự chương trình gặp gỡ tại Sóc Trăng. Trong đó, đoàn 50 DN Trung Quốc được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay đặt chân tới Sóc Trăng, trong đó có rất nhiều thương hiệu lớn về nông - lâm - thủy sản, thương mại, logistic...

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - đã giới thiệu với đoàn DN Trung Quốc về quy mô kinh tế cả tỉnh, các thế mạnh đang có, tiềm năng tương lai, đặc biệt với dự án cảng biển Trần Đề, cầu Đại Ngãi...

Doanh nghiệp Trung Quốc muốn hợp tác về lúa gạo Việt Nam ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu giới thiệu tiềm năng kinh tế địa phương với các DN Trung Quốc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương có một số sản phẩm nổi tiếng, như gạo ST25, hành tím Vĩnh Châu... Với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, việc giao thương, vận chuyển ngày càng thuận lợi. Địa phương đã quy hoạch 10 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 6.000 ha, là cơ hội rất lớn để DN tới đặt nhà xưởng.

Từ đó, Sóc Trăng kỳ vọng, sau chuyến tìm hiểu lần này, các DN Trung Quốc sẽ có các bước đi để tham gia đầu tư tại Sóc Trăng; các DN Sóc Trăng sẽ có thêm các đối tác, bạn hàng nhằm mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ nông sản đến người tiêu dùng Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc muốn hợp tác về lúa gạo Việt Nam ảnh 2

Quang cảnh buổi gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

"Sóc Trăng luôn hoan nghênh chào đón, cam kết sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, DN Trung Quốc tới sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất trên địa bàn tỉnh. Địa phương cũng mong tiếp nhận các ý kiến, góp ý, vướng mắc gặp phải của DN để khắc phục", ông Lâu nói.

Ông Ngụy Hoa Tường - Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM - cho biết, Trung Quốc là thị trường siêu lớn với 1,4 tỷ dân. Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam về nông - lâm - thuỷ sản, với kim ngạch trên 12,2 tỷ USD (chiếm 23% tổng kim ngạch mặt hàng này của Việt Nam). Trong đó, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của gạo Việt Nam, gồm cả gạo ST25.

Đầu năm nay, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần, riêng mặt hàng tôm tăng gấp 4 lần cùng kỳ.

Dù vậy, theo ông Tường, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt qua đường chính ngạch.

Với chuyến đi này của DN Trung Quốc, ông Tường nhận định các DN Trung Quốc có thể đầu tư hợp tác tốt trên địa bàn tỉnh Sóc Trang, với nhiều tiềm năng, đặc biệt là nông sản.

"DN Trung Quốc mong muốn trao đổi với chuyên gia lúa gạo của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, nhất là trong việc trồng lúa và tăng giá trị lúa gạo, trong bối cảnh xâm nhập mặn đang diễn ra", ông Tường nói.

Doanh nghiệp Trung Quốc muốn hợp tác về lúa gạo Việt Nam ảnh 3

Lãnh đạo 50 tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Sóc Trăng.

Về phía DN địa phương, ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng - kỳ vọng, sau chương trình này, địa phương sẽ đón nhận những dự án tốt, làn sóng đầu tư mới từ các DN Trung Quốc. "Chúng tôi mong là câu nối giữa các DN 2 bên, kết cả giữa DN Trung Quốc với các lãnh đạo và chính quyền địa phương với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", ông Tâm nói.

MỚI - NÓNG